ISRAEL ƯU TIÊN HỖ TRỢ NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO TẠI VIỆT NAM

Trong 20 năm thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao Việt Nam-Israel, hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghê cao luôn đóng vai trò then chốt. Phóng viên báo NDĐT đã có cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel Yair Shamir nhân chuyến thăm và làm việc chính thức của ông tại Việt Nam về nét nổi bật và các xu hướng chính cũng như cách thức để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Israel Yair Shamir

PV: Với diện tích đất nông nghiệp nhỏ cùng khí hậu bán sa mạc khô hạn nhưng trong những thập niên gần đây Israel đã xuất khẩu các sản phẩm và công nghệ nông nghiệp trị giá hàng tỷ đô la Mỹ. Xin ông cho biết chìa khóa thành công trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp tại Israel?

Bộ trưởng Shamir: Israel là một quốc gia có lãnh thổ nhỏ, diện tích chỉ bằng khoảng 1/15 diện tích Việt Nam với sa mạc chiếm phần lớn. Chúng tôi đã dành nhiều năm để tìm ra giải pháp cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khắc nghiệt như vậy với ưu tiên tập trung vào phát triển công nghệ và nghiên cứu. Ví dụ như 40% nguồn nước sinh hoạt tại Israel hiện tại là lấy từ nguồn nước biển và nước thải được tái chế và sử dụng cho hoạt động nông nghiệp. Các kết quả thu được là rất khả quan.

PV: Nông nghiệp công nghệ cao là ưu tiên hàng đầu trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Israel trong hơn 20 năm qua. Ông có thể chia sẻ một số kết quả hợp tác trong lĩnh vực này?

Bộ trưởng Shamir: Việt Nam và Israel đang kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong những năm qua, hợp tác giữa hai nước có thể được nhìn nhận rõ nét qua các số liệu về thương mại hai chiều. Trong năm 2012 thương mại Việt Nam-Israel đạt trên 1,1 tỷ đô la Mỹ, tăng gần gấp đôi so với năm trước. Các số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đang trên đà phát triển rất nhanh. Israel mong muốn mở rộng hợp tác không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà còn trên các lĩnh vực khác với Việt Nam.

Chúng tôi cũng đã tổ chức các khóa học cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đến Israel để tìm hiểu và làm việc trong ngành nông nghiệp cũng như các lĩnh vực khác tại đây. Với công nghệ hiện đại và kiến thức thu lượm được, chúng tôi hi vọng khi về Việt Nam, họ sẽ áp dụng được những kiến thức đã học . Họ cũng chính là những đại sứ quảng bá cho sự hợp tác tốt đẹp giữa chính phủ hai nước.

PV: Theo ông, hai bên cần có những giải pháp gì để thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp?

Bộ trưởng Shamir: Trong các cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận làm thế nào để thúc đẩy hợp tác và vượt qua rào cản, trở ngại trong lĩnh vực này. Về cơ bản, hai nước đã đồng ý cấp một số giấy phép tạm thời nhằm mở cửa cho các sản phẩm của Israel vào thị trường Việt Nam. Hai bên cũng đã nhất trí thúc đẩy đàm phán về tự do hóa thương mại và thiết lập cơ chế hợp tác nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.

PV: Vậy thách thức lớn nhất trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam-Israel là gì?

Bộ trưởng Shamir: Điều quan trọng nhất là Việt Nam phải xác định được nhu cầu của nền kinh tế và nông nghiệp của mình là gì, từ đó mới có thể đưa ra được các giải pháp cụ thể. Đó cũng chính là lý do tại sao các công ty Israel quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp vốn là thế mạnh của Israel. Họ mang đến giải pháp và công nghệ tốt nhất trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như thủy lợi và quản lý nước.

Một vấn đề khác cần phải quan tâm đó là việc lạm dụng phân bón và hóa chất tại Việt Nam. Israel là một nước nhỏ và vấn đề môi trường là rất quan trọng đối với chúng tôi. Nếu chúng ta sử dụng quá nhiều hóa chất và phân bón, chúng ta có thể hủy hoại mọi thứ và làm giảm chất lượng nguồn nước. Vì vậy, với kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề môi trường trong nông nghiệp, chúng tôi tin rằng có thể hỗ trợ Việt Nam qua việc sử dụng phân bón vi sinh, ít hóa chất và các yếu tố sinh học khác để giảm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và sản xuất nông nghiệp.

PV: Israel đang có những kế hoạch cụ thể nào để hỗ trợ Việt Nam trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao?

Bộ trưởng Shamir: Israel đang khuyến khích và dành ưu đãi cho các công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Chúng tôi cũng đã công bố nhiều tài liệu về Việt Nam và khả năng đầu tư kinh doanh ở đây, cũng như hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm rút ngắn rào cản hành chính để làm cho quá trình đầu tư được thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các công ty Việt Nam muốn nhập nguyên vật liệu hoặc mua các bán thành phẩm nông nghiệp từ Israel.

Bên cạnh đó, Israel khuyến khích các sinh viên Việt Nam tham gia vào các chương trình hợp tác phát triển của Israel để thấy được những gì chúng tôi đã và đang làm. Họ đến với Israel không chỉ để ngồi trong phòng học với các bài giảng trên lớp mà còn được tham gia vào các hoạt động thực tế. Chúng tôi cũng thiết lập một hệ thống liên lạc với số điện thoại và email của các đối tác Israel để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh này.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện này.
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.