tháng 2 2015

Hạt mắc ca rất nổi tiếng vì giá trị dinh dưỡng và sự thơm ngon của nó. Mắc ca thậm chí được gọi là "hoàng hậu của quả khô" bởi những tác dụng tuyệt vời của nó mang lại.

Nếu bạn chưa biết hạt mắc ca là gì, thì sau vụ bê bối của con gái chủ tịch Korean Air, bạn đã ít nhiều "nghe danh" loại thực phẩm này.

Thực tế, hạt mắc ca rất nổi tiếng vì giá trị dinh dưỡng và sự thơm ngon của nó. Mắc ca thậm chí được gọi là "hoàng hậu của quả khô" bởi những tác dụng tuyệt vời của nó mang lại.

Đồng thời, loại hạt này rất đắt.

Theo tờ Zing, loại nhân hạt mắc ca được bóc tách sẵn giá 900.000 đến 1.000.000 đồng/kg. Nếu so sánh với giá cá hồi Na Uy phi lê đang được bán với giá 425.000/kg thì loại hạt này đắt hơn gấp 2 lần.

Hãy thử xem những tác dụng mà hạt mắc ca mang lại, xem nó có xứng với "đồng tiền bát gạo" mà bạn bỏ ra không nhé!

1. Tác dụng bảo vệ tim mạch
Nhân của hạt mắc ca có hàm lượng dầu tới 78%, cao hơn hẳn lạc (44,8%), nhân điều (47%)… Trong dầu của mắc ca có trên 87% là axit béo không no, trong đó có nhiều loại mà cơ thể con người không tự tổng hợp được.
Khi ăn vào giảm được Cholesterol, có tác dụng phòng trị xơ cứu động mạch. Hàm lượng Protein trong nhân có tới 9,2%, gồm 20 loại Axit Amin trong đó có 8 loại Axit Amin cần thiết cho cơ thể con người. 

Trong mắc ca còn có chứa một loại amino acid tên là arginine – chất này giúp các thành mạch máu linh hoạt. Các chất chống oxi hóa trong mắc ca cũng mang lại nhiều lợi ích cho hệ tim mạch của bạn.

Thực tế, nếu 1 người sử dụng hạt mắc ca từ 10 - 15 hạt mỗi ngày có thể giảm 50% nguy cơ tim mạch. Con số này thật đáng kể bởi nó sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi lo về căn bệnh thời đại này.

2. Tốt cho phụ nữ và trẻ em
Trong nhân mắc ca có chứa nhiều chất khoáng, nhiều loại Vitamin, Omega-3…rất có lợi cho bà bầu và trẻ em. Hạt mắc ca giúp cung cấp nguồn năng lượng dồi dào với hàm lượng calo cao gấp đôi so với các loại hạt khác.
Người mẹ mang thai ăn loại quả này sẽ giúp cho khẩu phần ăn của mình thêm phong phú và góp phần tích lũy năng lượng cho thai nhi.



3. Tốt cho người bị bệnh tiểu đường
Hạt mắc ca được đánh giá là loại thực phẩm có hàm lượng Gl thấp nhất, vì thế nó không làm tăng chỉ số đường huyết trong co[ thể người bệnh.

Protein, chất xơ và chất béo trong mắc ca giúp ổn định lượng đường trong máu để tránh cảm giác “ thèm đường”.

4. Thích hợp cho người ăn kiêng

Mắc ca cung cấp 1 lượng carbohydrate thấp giúp đốt cháy tối đa chất béo trong cơ thể, đồng thời kéo dài cảm giác no bụng, vì thế nó rất thích hợp cho người ăn kiêng.

5. Cung cấp lượng chất xơ dồi dào
Chất xơ là một thuật ngữ cho carbohydrate có khả năng kháng enzyme tiêu hóa trong dạ dày và do đó đi qua vào đường tiêu hóa, nơi chúng thúc đẩy các vi khuẩn đường ruột mong muốn và quá trình sinh lý có lợi.

Các chất xơ được tìm thấy trong mắc ca về cơ bản là thành tế bào bên trong nhân, 100g mắc ca cung cấp 8.6g hoặc 23% mức đề nghị hàng ngày của nhu cầu chất xơ.

6. Tác dụng làm đẹp da
Bên cạnh những đóng góp to lớn trong ẩm thực, mắc-ca còn là một sản phẩm làm đẹp cao cấp.

Dầu mắc-ca rất được yêu thích trong lĩnh vực chăm sóc da. Được đánh giá cao vì có chứa khoảng 22% các axit omega-7 palmitoleic, dầu mắc-ca là giải pháp thay thế dâu chồn – một trong những “thần dược” cho làn da phụ nữ.

7. Giá trị ẩm thực lớn:
Vượt lên mọi loại hạt khác, mắc ca được gọi là "hoàng hậu" của các loại quả khô hơn hết là ở giá trị ẩm thực của nó. Loại hạt này được xếp vào hàng "thượng phẩm" trong kho tàng hạt phong phú của xứ sở bánh ngọt phương Tây.

Mắc-ca có vị béo, ngọt, giòn tan, trung hòa gia vị làm cho món ăn thêm đậm đà, thường được dùng để ăn sống, luộc hoặc xào nấu. Từ lâu mắc-ca đã được đưa lên bàn ăn của các gia đình giàu có hoặc yến tiệc sang trọng.

Nhân mắc-ca sau khi chiên rang ăn rất ngậy, bùi, có hương vị của bơ, là một loại thực phẩm cao cấp, ngon, bổ, giàu chất béo, giàu nhiệt năng... góp phần tạo nên hương sắc mới lạ và làm tăng giá trị cho món ăn.

Ngoài tất cả các lý do trên, hạt mắc ca đắt còn bởi vì loại hạt này rất được ưa chuộng nhưng năng suất cảu cây mắc ca lại rất thấp, chỉ bằng khoảng 1/3 năng suất của các loại cây trồng cho quả hạnh khác.

Tuy nhiên, nếu nếm thử hạt mắc ca 1 lần, bạn sẽ thấy đây là loại thực phẩm tuyệt vời, rất đáng "đồng tiền bát gạo".


Cho khách đến vườn, trực tiếp trồng, chăm sóc, thu hái sản phẩm là cách đang được một doanh nghiệp tại TP.HCM thực hiện khiến khách hàng hào hứng.

2 quả dưa để cạnh nhau với 2 mức giá khác nhau, khách hàng chọn quả nào? Chắc chắn là họ chọn quả giá rẻ. Bởi vì họ không biết quả dưa đắt kia sản xuất ra sao, có gì khác với quả ít tiền hơn?

Suy luận này khiến Nguyễn Minh Nhân đi tìm các cộng sự của mình để thuyết phục đề án làm nông nghiệp sạch có tương tác với khách hàng.

Cách của anh là trang trại ươm giống, khách đặt mua cây sau đó trang trại sẽ trồng, chăm sóc cho đến khi ra trái, đưa đến tận tay khách. Cây sẽ có đầy đủ “hồ sơ”, gồm bảng tên khách, ngày tháng trồng… Các thông tin về quá trình sinh trưởng, phát triển được trang trại gửi đều đặn cho khách hàng tuần qua email. 

Nguyễn Minh Nhân (giữa) cùng các thành viên sáng lập nhận giải nhất tại cuộc thi "Khởi Nghiệp và Đổi mới sáng tạo " do VCCI, trường ĐH Leitic, hội doanh nghiệp trẻ TP. HCM tổ chức. Ảnh: Vuông Tròn
Ngoài ra định kỳ hàng tháng, trang trại còn tổ chức 1 chuyến tham quan đến vườn để giúp khách hàng có thể tận tay chăm sóc sản phẩm của mình.

Nguyễn Minh Nhân chia sẻ, ý tưởng làm nông nghiệp không “đụng hàng” này xuất phát khi anh thấy nhiều người hào hứng với game Nông trại vui vẻ. Được trải nghiệm cảm giác trồng, chăm sóc cây, thu hái sản phẩm thật thú vị. “Nhưng điều chắc chắn là khách hàng yên tâm với sản phẩm và không thắc mắc giá trị của chúng”, anh khẳng định.

Thời sinh viên, Nhân đã cùng bạn bè lặn lội xuống miền Tây để tham quan mô hình trồng rau sạch, và rất trăn trở chuyện sản xuất của nông dân. Nhà nước đã có đầu tư tốt cho hoa quả sạch nhưng lại chưa hỗ trợ tìm đầu ra. Các siêu thị chỉ thu mua số lượng hạn chế, và họ chọn hết loại tốt, loại còn lại bán không được hoặc phải bán rất rẻ, thậm chí rẻ hơn cả rau sản xuất thường. Bởi vậy mà người dân đầu tư rau sạch rồi đành quay về với kiểu làm cũ.Sinh năm 1984 ở Hải Dương, nhưng 7 tuổi đã theo gia đình vào TP.HCM sinh sống, ngành học sau này cũng không liên quan gì đến nông nghiệp, nên trong đầu Nhân chỉ mường tượng cây dưa, cây cà được ươm giống, ra hoa, kết trái rất…sách vở. Nhưng ý định kinh doanh nông nghiệp luôn thôi thúc anh từ ngày mới ra trường.

Cũng vì vậy mà Nhân luôn chuẩn bị sẵn mọi thứ để khi có điều kiện là kinh doanh nông nghiệp. “Nhưng mình phải làm cái gì mới, khác, phải rút kinh nghiệm với những cách làm trước. Tôi thấy làm nông nghiệp hiện nay dù có sử dụng công nghệ cao, đạt chuẩn thì giá bán vẫn không như kỳ vọng, vì điều kiện, tạp quán của người tiêu dùng. Tôi muốn tạo ra sản phẩm mà ngoài việc giúp khách tin tưởng chất lượng thì họ cũng được trực tiếp học tập, biết cách sản xuất một quả dưa, bó rau như thế nào”, Nhân nói.

Vườn dưa lưới "Đồng hành cùng nhà nông", sản phẩm từ ý tưởng làm nông nghiệp không đụng hàng của ông chủ trẻ 8x. Ảnh Vuông Tròn

Đưa ra ý tưởng làm nông nghiệp kiểu tương tác, anh nhận được sự hưởng ứng ngay của các thành viên tham gia. Cùng thời điểm này, TP.HCM có các dự án hỗ trợ sản xuất sạch thông qua Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ Cao thuộc Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP. HCM, thế là đề án của nhóm anh được chấp nhận. Và cũng từ đây, công ty TNHH Thương mại Vuông Tròn ra đời.

Tuy nhiên, từ lúc lên ý tưởng cho đến thực hiện kiểu sản xuất, kinh doanh này, nhóm phải trải qua lắm gian truân.

Bắt tay làm, 3 thành viên chẳng ai có kiến thức nông nghiệp (2 kinh tế, 1 tin học) nên sản xuất hết sức vất vả, cây bịnh, chết, sản phẩm hư hỏng phải bỏ đi. “Đó là một thời gian dài chúng tôi không có nguồn thu, đi mua thiếu từng bao phân để sản xuất. Và trong lúc cạn kiệt vốn, đã có người hỏi mua lại doanh nghiệp với mức giá lời. Nhưng không hiểu sao chúng tôi vẫn tự tin mình thành công và cố gắng duy trì trang trại”.

Vất vả, chạy vạy, học hỏi kinh nghiệm của những đơn vị sản xuất khác, cuối cùng đã có một kỹ sư nông nghiệp chịu bắt tay. Cây trồng được chọn phù hợp hơn, đó là giống dưa lưới Bảo Khuê chất lượng trái đẹp, ăn ngon, rất được người dùng chuộng.

Theo đó, sau khi ươm giống thành công, mỗi cây con được bán cho khách hàng với giá 250.000 đồng. Cây sẽ được trang trại chăm sóc cho đến khi ra trái, thu hoạch quả, với cam kết mỗi cây có ít nhất 1 trái 2-2,5 kg sau 3 tháng.

Cây có đầy đủ hồ sơ từ bảng tên, ngày tháng xuống giống, thời gian dự kiến thu hoạch...Ảnh: Vuông Tròn
Ngoài tổ chức cho khách hàng tháng đến tham quan, chăm sóc cây của mình, đến ngày thu hoạch, khách cũng sẽ được thông báo để đến vườn tự tay thu hái sản phẩm. Những khách hàng không có điều kiện thu hoạch thì nhân viên trang trại sẽ thu hộ, sau đó đưa đến tận nhà. Sản phẩm không đạt kết quả trang trại sẽ báo cho khách và hoàn tiền, hoặc đổi cây mới trong vụ sau.

“Ban đầu đưa ra ý tưởng, nhiều người nói tôi điên. Muốn ăn rau, quả gì người ta ra chợ mua, không ai kiên nhẫn chờ đến 3 tháng để được ăn một quả dưa. Nhiều người lo hình thức đầu tư của chúng tôi sẽ không ổn, nhiều rủi ro, nhưng không hiểu sao bản thân tôi vẫn tin mình làm được”.

Tin làm được và Nhân cùng các bạn mình đã thành công. Từ vài chục khách đặt hàng đợt đầu, đến vụ thứ 4 đã tăng lên hơn 200 khách. Có khách đầu tiên đặt ngay 60 cây. Và đến vụ thứ 6, sau khi trừ các chi phí, công ty đã có lời.

Nhân cho biết, hiện công ty anh chỉ mới dám sản xuất mỗi vụ 6.000 m2, nên hàng không đủ cung cấp. Thực tế nguồn cung chính của Vuông Tròn vẫn là các nhà hàng, khách sạn, còn bán lẻ với kiểu kinh doanh “độc” này là để gây dựng thương hiệu. Đơn vị cũng mới chỉ tập trung phục vụ cho khách khu vực TP.HCM, vì những nơi xa không có điều kiện tới vùng sản xuất.

Khách hàng cũng chưa rộng mà tập trung vào những người có điều kiện. Họ quan tâm tới sức khỏe, nên giá sản phẩm dù gấp đôi quả dưa bán ngoài chợ nhưng vẫn chấp nhận bỏ tiền mua.

Khách hàng trực tiếp hái quả dưa lưới nặng hơn 2 kg sau 3 tháng chờ đợi. Ảnh: Zen Nguyễn
Nhân cũng cho biết, sản phẩm của Vuông Tròn không tập trung vào siêu thị mà hướng của anh là phân phối tới tận tay khách hàng lẻ, là những người tiêu dùng trực tiếp. Anh cho rằng, đây là hướng bền vững nhất để đảm bảo đầu ra, không bị phụ thuộc vào thương lái, trung gian. “Bán lẻ và chăm sóc khách hàng tốt, sản phẩm tốt, uy tín thật sự thì tự khắc khách hàng cũ sẽ nhân thêm khách hàng mới cho mình. Chúng tôi trẻ, sẵn sàng bỏ thêm sức để làm hài lòng người tiêu dùng”, anh nói.

Hỏi vì sao chọn kinh doanh nông nghiệp, ông chủ 8x chia sẻ: “Ngày ra trường, trong suy nghĩ của tôi luôn là câu hỏi: Khởi nghiệp theo hướng nào. Ở Việt Nam, nói máy tính, điện tử hay xây dựng, bất động sản thì bạn seach Google sẽ có rất nhiều thương hiệu. Nhưng nông nghiệp, mà cụ thể là trồng rau, quả sạch là rất hiếm, trong khi đất nước mình là đất nông nghiệp. Tôi đã chọn nông nghiệp và làm nông nghiệp khác biệt với suy nghĩ như thế".Hiện sản phẩm chủ lực của anh vẫn là dưa lưới và đang hướng tới sản xuất rau hữu cơ. Theo Nhân, kiểu gửi cây như anh đang thực hiện chỉ hợp với những hoa màu có giá trị kinh tế cao, thu hoạch 1 lần như dưa lưới, dưa hấu, một số loại rau, rất khó để trồng ớt, trồng cà, vì những loại này phải thu hoạch nhiều lần, khó kiểm soát trong quá trình canh tác.
Đừng để phụ thuộc vào thương lái

"Với tôi, làm nông nghiệp thì đừng quá tham để rồi phụ thuộc vào thương lái, nên tính toán phù hợp và phát triển dần khi đủ lực. Bởi khi anh làm được thì anh hay tham, được 1 anh mở rộng lên 5, lên 10, đến lúc bị động đầu ra thì phải tìm mọi cách để bán hàng. Mà đã cố sức bán thì phải hạ giá. Khi bị thương lái ép giá thì người sản xuất phải tìm cách ép giá thành, giảm chất lượng ngay, kéo theo nhiều hệ lụy, mất uy tín".
H.Linh
http://news.zing.vn/Chuyen-lam-nong-nghiep-khong-dung-hang-cua-mot-8X-Sai-Gon-post467848.html




Thiết bị cảm biến thu thập dữ liệu về điều kiện ánh sáng, độ ẩm hay không khí tại khu vực trồng trọt, giúp người làm vườn điều chỉnh biện pháp chăm sóc cây phù hợp.

Một thiết bị cảm biến Edyn trên vườn rau. Ảnh: mnn.com

Mother Nature Network cho hay, hệ thống cảm biến làm vườn thông minh được gọi là Edyn. Nó có kích thước nhỏ, hoạt động bằng năng lượng mặt trời, kết nối wifi và được kiểm soát bằng điện thoại thông minh.

Thiết bị cảm biến được cắm trên mặt đất tại khu vực trồng trọt. Tại đây, nó thực hiện vai trò kiểm soát điều kiện đất, độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng... Các dữ liệu này sau đó sẽ được gửi trực tiếp về điện thoại của người sử dụng.

Edyn được coi là một trong những công cụ làm vườn thông minh có thể ứng dụng trong tương lai. Nhờ dữ liệu được thu thập từ cảm biến, người làm vườn hay nông dân có thể điều chỉnh các phương án chăm sóc, cải thiện chất lượng cây trồng, tăng năng suất hay đạt được các mục tiêu khác.

Một cảm biến Edyn có thể bao quát diện tích khoảng 23 m2. Thiết bị cũng có thể được lắp trong nhà, với điều kiện ánh sáng đầy đủ. Edyn vẫn hoạt động bình thường khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, mưa hay hóa chất nông nghiệp.

Với cảm biến Edyn, các nhà nghiên cứu tin rằng trước khi hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường, thì việc hiểu được tình trạng môi trường như thế nào cũng là một bước quan trọng.

Linh Anh

Hệ thống trồng rau sạch kết hợp nuôi thủy sản đang được nhiều hộ dân tại TP HCM lắp đặt để tự cung cấp một phần nguồn rau xanh và cá sạch cho gia đình.



Dựa theo mô hình trồng rau thủy canh Aquaponics, anh Nguyễn Ngọc Khuyến, một nông dân quận 12, TP HCM đã thiết kế ra nhiều hệ thống trồng rau, nuôi cá lắp đặt trên nhiều sân thượng lớn nhỏ.

Cách trồng rau, nuôi cá này như một hệ sinh thái thu nhỏ. Nước bẩn từ hồ cá sẽ được tưới cho rau, rau sẽ hút những chất dinh dưỡng lọc nước để trả lại nguồn nước sạch cho hồ cá. Người trồng không mất nhiều thời gian chăm sóc vì quá trình này hoàn toàn tự động. Đất trồng rau được làm từ đất sét nung, có chứa vi sinh để phân giải các chất hữu cơ cho cây dễ hấp thụ chất dinh dưỡng.

Anh Nguyễn Ngọc Khuyến cho biết: "Hệ thống này dễ dàng lắp đặt nhưng để vận hành tốt cần đến 1 tháng để theo dõi quá trình phát triển ổn định của hệ sinh thái, nhất là vi sinh vật phải phát triển ổn định. Đất sét nung phải xử lý vi sinh, và cho thêm giun đất để chúng phát triển dễ dàng và phân giải các chất hữu cơ do cá thải ra". Theo anh Khuyến, chỉ cần hệ thống 20 m2 là các gia đình có thể tự cung cấp rau sạch hàng ngày.

Qua hệ thống bơm tự động, nước thải từ hồ cá được tưới lên rau. Nhờ đó mà rau luôn xanh tươi, phát triển tốt mà không cần bất kỳ một loại phân bón, thuốc trừ sâu nào.

Mô hình này trồng được rất nhiều loại rau xanh, tùy thuộc vào từng gia đình, chỉ mất từ 15 đến 20 ngày là có thể thu hoạch.

Hệ thống bơm nước tự động rất nhỏ gọn không tốn diện tích và điện năng. Mỗi tháng hệ thống này hoạt động chỉ tốn 15 kWh điện.

Nước sạch được trả lại hồ cá tạo nên vòng tuần hoàn kín. Dưới đáy hồ, người nuôi bỏ thêm nhiều ống để tạo nơi trú ẩn cho cá. Hồ có thể tích 1 m3 có thể nuôi 20-30 con cá.

Ngoài nuôi cá, hệ thống này cũng phù hợp với một số loại thủy sản khác như cua, tôm nước ngọt. Anh Khuyến cho biết, anh thường nuôi rô phi, điêu hồng. Cá sẽ đạt cân nặng 0,5 kg sau 6 tháng thả nuôi.

Những ngôi nhà không có nhiều diện tích sân thượng thường chọn tháp trồng rau, chỉ cần có không gian 1 m2 là có thể triển khai hệ thống này.

Những loại phế phẩm hữu cơ, trong đó có cả rau bị hỏng được cho lại vào ống thủy sinh để tạo dinh dưỡng nuôi cây.



Anh Khuyến cho biết thêm hiện nay anh đã lắp đặt gần 1.000 hệ thống cho các hộ dân. Toàn bộ thiết bị anh đều tự thiết kế tùy thuộc vào diện tích. Thông thường, các gia đình thường chọn "vườn rau, ao cá" có diện tích khoảng 20 m2 có chi phí thiết kế khoảng 40 triệu đồng.

Zen Nguyễn
http://news.zing.vn/Trong-rau-bang-dat-set-nuoi-ca-tren-san-thuong-o-Sai-Gon-post506192.html











Các tính năng tự động giúp robot tự tưới nước cho từng loại cây theo lập trình trước đó và được hy vọng ứng dụng thay thế con người trong tương lai.

Robot tưới nước Droplet. Ảnh: Ubergizmo

Theo Cnet, robot tưới cây có tên Droplet, được thiết kế từ ý tưởng tạo ra hàng loạt robot làm vườn thông minh có thể thay thế con người.

Robot tưới cây được thiết kế dựa trên công nghệ "điện toán đám mây". Các thiết bị nối khác giúp Droplet ngắm hướng vòi phun tới từng cây trong phạm vi bán kính 9,14 m. Hệ thống lập trình chính xác trong cấu tạo cho phép robot hướng vòi phun nước đến đúng vị trí cần tưới mà không bắn nước ra ngoài.

Tính năng tự động của Droplet sẽ giúp robot nhận biết được đất, loại cây và các dữ liệu khác. Trước khi robot vận hành, người dùng sẽ cung cấp các thông tin về loại cây trong vườn qua hệ thống kết nối không dây với Droplet.

Với công nghệ điện toán đám mây, hệ thống tưới nước tự động Droplet có thể theo dõi tình hình thời tiết ở từng khu vực. Nhờ đó, Droplet sẽ tự xác định lượng nước vừa đủ để tưới cho cây.

Nhờ các tiện ích này, việc sử dụng Droplet sẽ tiết kiệm chi phí và nguồn tài nguyên nước của thế giới đáng kể.

Ngô Trinh


Ý tưởng tìm hiểu, viết bài về Hột Vịt Lộn Long An đến trong đầu tôi một cách rất đơn giản: trên đất Mỹ này, ngay tại Little Saigon này, lại có người gốc Việt “dám” dấn thân vào một nghề mà “Mỹ nghe tên đã chạy làng.” Đó là sản xuất và bán hột vịt lộn.

Thế nhưng, câu chuyện kể của ông Thomas Chín Đàm cùng phóng viên Người Việt ngay tại lò ấp trứng của ông gần chợ Bến Thành và dọc đường từ Bolsa hướng đến vùng Ramona ở San Diego khi lên thăm nông trại nuôi vịt, trồng mía của ông, đã vẽ nên một bức tranh rất khác về chủ nhân của Hột Vịt Lộn Long An, một triệu phú với bài học “biến rác thành tiền” và “công thức làm ra tiền.”
Ngược về quá khứ
Thật khó mà nghĩ được đằng sau tấm bảng hiệu Hột Vịt Lộn Long An (Long An Farms) nằm trên con đường nhỏ Weststate cạnh chợ Bến Thành, Westminster, là cả một dàn 30 máy ấp trứng để mỗi tháng cho ra khoảng nửa triệu trứng vịt lộn gửi đi khắp các tiểu bang để bán. Chưa tính đến trứng gà, trứng cút, trứng ấp riêng cho các hãng dược phẩm bào chế thuốc chích ngừa trái rạ (chicken-pox), là một dàn xe tải bảy chiếc lớn nhỏ chỉ dùng để đi giao trứng và mía cho các nơi. Hơn thế nữa, đàng sau tấm bảng hiệu đó còn không biết bao nhiêu nông trại nuôi gà, nuôi vịt, nuôi cút, nuôi ngỗng, nuôi thỏ, nuôi cả chuột bạch vừa lấy thịt, lấy trứng, hoặc cung cấp cho các phòng thí nghiệm tại các trường học trong vùng, được gầy dựng khắp nơi.
Thương hiệu Hột Vịt Lộn Long An ra đời từ một tình cờ được đưa đến cho ông Thomas Chín Đàm, người đang làm công việc bán máy may công nghiệp khi đó mới ngoài 30 tuổi.
“Đó là năm 1995, có một ông người Đức chuyên nghề ấp trứng gà cho các trường học, các phòng thí nghiệm, để làm thuốc chích ngừa trái rạ, chuẩn bị về hưu nên muốn bán lò ấp trứng của ông với giá $100,000, chỉ cần trả trước $50,000,” ông Chín nhớ lại.
Khi thấy ông gốc Việt còn đắn đo chưa muốn mua, ông gốc Đức bèn giới thiệu một số khách hàng sẵn có của ông, dù không nhiều
Nhìn những máy ấp trứng gà làm vaccine, trong đầu ông Chín lại nghĩ đến chuyện “liệu máy này có ấp được trứng vịt để cho nó thành trứng vịt lộn được không?” Ông Chín đưa cho ông người Đức vài trứng vịt nhờ ấp thử.
“Thay vì trứng gà làm vaccine chỉ ấp 3-4 ngày thì trứng vịt ông ấp chừng hai tuần, khi con vừa lớn mình mang ra ăn thì thấy giống y chang hột vịt lộn.” Một ý tưởng lóe lên.
“Họ chỉ mình cách làm nhưng cái khó là trứng ở đâu mà ấp? Thế là phải đi tìm nguồn trứng.”
Nông trại nuôi vịt mà ông Chín liên lạc được ở thời điểm đó chính là nông trại Ramona ở San Diego của một người Philippines (mà chỉ ít lâu sau ông Chín đã mua hẳn và làm chủ cho đến hôm nay).
“Khi đó họ ấp trứng vịt, mình ấp trứng gà trao đổi cho nhau. Nhưng mà họ không có trứng đều. Lúc mình cần thì họ không có, lúc họ dư thì mình không cần. Khi đó tôi thấy chỉ khi mình tự sản xuất thì mới điều tiết được sản phẩm.” Nghĩ là làm. Ông Chín quyết định mua luôn nông trại nuôi vịt Ramona để “tự cung tự cấp.”
Bằng giọng nói của người Nam Định đã “lai” giọng Nam khá nhiều, người đàn ông trong bộ đồng phục của Hột Vịt Lộn Long An kể lại chuyện ngày đầu lập nghiệp một cách tự tin, cởi mở: “Lỡ chơi rồi chơi luôn! Lúc đó tôi cầm hết hai cái nhà, vay thêm nợ để mua cả lò ấp trứng lẫn nông trại nuôi vịt.”
Chủ nhân Long An Farms nói bằng giọng tỉnh rụi, “Tôi cũng chết lên chết xuống với mấy con vịt nuôi. Nuôi, ấp, rồi nó chết, tùm lum hết, chứ không phải trôi chảy liền đâu. Chưa kể bán chịu cho người ta, người ta giựt không trả tiền nữa.”
Thời gian khốn khó, vật vã với gà với vịt của ông Chín kéo dài đến 6 năm. “Suốt thời gian đó, mỗi lần nhìn bà xã là bà hỏi ‘cần tiền nữa rồi phải không.’ Anh em cũng chạy trốn hết vì mình mượn nhiều quá rồi.”
Tuy nhiên, khi bờ vực phá sản cận kề thì sự kiện 9-11 của năm 2001 xảy ra. Trong đời, thảm họa của người này đôi khi lại trở thành sự cứu rỗi cho người khác. Ông Chín “sống” lại từ thời điểm ấy.
Lấy “trái rạ” nuôi hột vịt lộn
Vẫn bằng cách nói chân tình, ông Chín tiếp tục, “Năm 2001 tưởng đâu là phá sản rồi, đùng cái 9-11 xảy đến, chính phủ cần thuốc chích ngừa trái rạ. Trước đó tôi cũng làm loại vaccine này nhưng mà Mỹ không cần, không mua, nên làm ra chỉ để bán cho các nước nghèo thôi.”
Sẵn lò, sẵn trứng, ở thời điểm cả nước suy sụp vì khủng bố, ông Chín lại nhận được từ chính phủ hợp đồng trị giá $1 triệu để cung cấp cho họ vaccine ngừa trái rạ.
“Họ đưa trước cho mình 10%, tức $100,000. Khi đó tự dưng mình sống lại,” ông Chín cười tươi tắn.
Ông “tiết lộ” thêm, “Làm nghề gì có liên quan đến thuốc men là có ăn, làm $1 bán $30, còn làm chợ, làm ăn uống lời chỉ vài phần trăm thôi” và “Thời buổi khó khăn, chỉ có kinh doanh thực phẩm và thuốc men là vững chắc, vì ai cũng phải ăn, cũng phải cần thuốc men.”
Theo chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An, “trứng gà để làm vaccine hay làm trứng lộn đều giống nhau, chỉ khác cách làm. Trứng để làm thuốc chỉ ấp 3 ngày rưỡi, xong bỏ vi khuẩn vô trong quả trứng, đóng lại giao đi để họ làm thuốc chích ngừa trái rạ. Trứng gà ấp tiếp khoảng 2 tuần thành trứng gà lộn, còn vịt thì khoảng 3 tuần, đến tuần thứ tư thì nở ra con.”
“Máy ấp trứng lộn hay trứng làm vaccine đều như nhau, chỉ khác dụng cụ đựng trứng. Mỗi máy ấp được khoảng 10,000 trứng. Ngay tại lò ở Little Saigon có 30 máy ấp, ở nông trại San Diego có thêm 20 cái chuyên ấp trứng nở thành con,” ông Chín giải thích.
Người đàn ông từng phải làm 14 tiếng mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần trong suốt nhiều năm liền để thử nghiệm với trứng gà trứng vịt tâm sự, “Tôi khởi đầu nghề ấp trứng là để làm hột vịt lộn nhưng không thành công, trong khi làm thuốc chích ngừa lại thành công. Nhưng vì nhu cầu trứng lộn là có thật và rất vững chắc nên khi có được tiền rồi thì tôi quay trở lại với nghề mình muốn, là làm trứng lộn.”
Với số tiền ứng trước $100,000 của chính phủ, một năm sau, ông Chín kiếm được $1 triệu, đủ trả hết nợ, chuộc lại những căn nhà cầm cố, và quan trọng hơn là “có tiền mua gà vịt thoải mái luôn để nuôi để ấp.”
“Với hột vịt lộn, người Philippines chiếm đến 70% thị trường tiêu thụ, người Việt chỉ có 30%. Thế nên tôi thuê nông dân Philippines thứ thiệt nuôi vịt cho mình, làm quản lý nông trại cho mình. Còn gà thì người Mỹ có kinh nghiệm hơn nên tôi thuê Mỹ nuôi gà cho tôi,” ông nói tiếp.
Hiện tại, dù tên cơ sở được mọi người biết đến vẫn là Hột Vịt Lộn Long An, nhưng thực ra ông Chín làm cả hai thứ: ấp trứng làm thuốc và ấp trứng lộn.
“Làm thuốc thì đơn đặt hàng khá ổn định, cứ mỗi năm chính phủ cần bao nhiêu trứng họ báo cho mình biết, rồi năm tới cứ làm cái mới, lúc nào họ cũng để dành vaccine sẵn sàng, ‘khi cần là có đạn mà bắn.’ Còn trứng lộn thì chỉ để ăn chơi thôi.”
Ông cho biết, “Tỉ lệ trứng ấp làm thuốc ít hơn trứng lộn nhưng lời nhiều hơn. Làm trứng lộn chiếm 70% nhưng lời chỉ 30%.”
Trả lời câu hỏi “So với ngày đầu thành lập Hột Vịt Lộn Long An, đến nay lợi tức của công ty đã phát triển lên bao nhiêu lần?” Ông Chín nói tỉnh rụi, “Không biết. Chỉ biết hồi năm đầu mới làm, bán chỉ được chừng sáu, bảy chục ngàn, giờ khoảng 3-4 triệu một năm.”
Hiện tại, hột vịt lộn Long An được bán khắp 50 tiểu bang với số lượng khoảng nửa triệu trứng mỗi tháng
Và đâu chỉ dừng lại ở hột vịt lộn, trứng gà lộn, trứng gà trái rạ, người đàn ông vừa bước qua tuổi 50 này còn biến “rác thành tiền” từ việc nuôi cút làm vaccine, nuôi thỏ làm thuốc ngừa thai, nuôi chuột cho phòng thí nghiệm, nuôi ngỗng làm thuốc cho những phụ nữ hiếm muộn, và đặc biệt, trồng mía không phải để ép thành nước mía mà chủ yếu lấy phấn mía làm thuốc giảm cân.
Ông Chín Đàm đã áp dụng bài học “biến rác thành tiền từ bó rau muống của mẹ” và học công thức làm giàu từ Samuel Brannan, triệu phú đầu tiên của California, như thế nào sẽ được đề cập đến trong phần sau.
Bài học ‘Biến rác thành tiền’ và học công thức làm ra tiền
chin dam 4
Đa phần người ta biết đến Hột Vịt Lộn Long An như một thương hiệu lớn và là thương hiệu duy nhất của người Mỹ gốc Việt trong lãnh vực đầu tư hiếm hoi này.
Thế nhưng, nhiều người không hề biết rằng, thực ra, kinh doanh hột vịt lộn chỉ mang đến cho chủ nhân công ty này 30% lợi tức trong lãnh vực ấp trứng gà trứng vịt. Thomas Chín Đàm, người đàn ông 50 tuổi, gốc Nam Định, có phong cách xuề xòa, gần gũi, thích làm từ thiện cho nhà thờ, thực sự là người kiếm được rất nhiều tiền, bên cạnh nghề làm trứng lộn, từ những công việc được gọi nôm na là “nghề đặc biệt” ở Mỹ, như nuôi cút làm vaccine, nuôi thỏ làm thuốc thử thai, nuôi chuột cho phòng thí nghiệm, nuôi ngỗng làm thuốc cho những phụ nữ hiếm muộn, và đặc biệt, trồng mía để lấy phấn mía làm thuốc giảm cân, hay bán cho công ty dầu khí Shell làm “ethanol”, một loại xăng sinh học.
Kinh nghiệm mà ông Chín Đàm chia sẻ từ những gì học được, nghiệm ra được trong quá trình “đi buôn” của mình chắc chắn sẽ mang đến bao điều thú vị cho mỗi chúng ta.
Khi mía trồng không chỉ dùng để bán “nước mía”
Khách đến tiệm Hột Vịt Lộn Long An đôi khi không phải để mua trứng mà là muốn có ly nước mía tươi ngọt lịm.
Mía được dùng để ép lấy nước nơi đây khác hẳn nhiều tiệm ở chỗ nó luôn là mía tươi, không phải mía đông lạnh. Mía của nước mía Long An được chính chủ nhân trồng trên cánh đồng rộng 120 mẫu Tây, cũng ở miền Nam California, cách Bolsa chừng hơn 3 tiếng lái xe.
Nhưng mục đích trồng mía không phải để bán nước mía!
“Tôi trồng mía để lấy phấn mía bán cho các công ty dược điều chế thuốc giảm cân,” ông cho biết.
Theo lời ông, trên thế giới, mía được trồng nhiều ở Cuba và Mexixo, nhưng “một sản phẩm được xem là ‘made in USA’ thì nguyên liệu của nó phải xuất xứ từ Mỹ. 95% thành phần thuốc giảm cân là lấy từ phấn mía. Họ cần mía trồng ở Mỹ.”
Ông Chín nhớ lại, “Trước đây, ở Mỹ chỉ có Hawaii, Florida, Texas và Louisiana trồng mía. Khi nhận được lời đề nghị bán phấn mía cho một công ty dược phẩm, tôi bay sang Florida mua một xe mía trị giá cả $10,000, nhưng họ không cho nhập vô California vì chính sách bảo vệ nông nghiệp của tiểu bang này.”
Ông thử thời vận thêm một lần nữa bằng cách sang Texas mua mía. Tuy nhiên, người ta chỉ cho phép ông nhập mía đông lạnh vào California mà thôi, còn mía tươi thì không. “Rõ ràng chính phủ chặn hết mọi ngả cho mía tươi nhập vào tiểu bang này.”
“Trong khi vợ tôi khóc vì tiếc tiền thì tôi cười thầm vì thấy cơ hội quá hên hiện ra trước mắt: Tôi sẽ trồng mía ở California,” người đàn ông luôn biết nắm bắt cơ hội nhoẻn miệng cười.
Cả một ngành kỹ nghệ mới mở ra, ông Chín mất gần 5 năm mày mò nghiên cứu để trồng và lấy phấn mía ngay trên 5 mẫu đất dư ở nông trại nuôi vịt. Trong thời gian chờ đợi kết quả thu hoạch phấn mía tại California thì ông mang máy móc sang Florida mua mía để đánh phấn ra, sàng lọc mang bán.
“Như đã nói, những gì làm có liên quan đến thuốc men đều mang lại nhiều lợi nhuận gấp 30 lần. Mía sau khi lấy phấn xong thì mình đưa vào dập lấy nước, qua nhiều chế biến sẽ trở thành ‘ethanol’ – một loại xăng sinh học để bán cho công ty dầu khí Shell. Mía còn lại nữa thì bán nước mía,” ông Chín phân tích.
“Muốn làm thương mại phải liều, phải lỳ và phải hên!”
Nghe chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An kể về những công việc ông làm, tôi hỏi, “Bí quyết để thành công trên thương trường của anh là gì?”
Ông nói chậm rãi, “Làm thương mại thì phải có máu liều. Chưa đủ. Phải lỳ nữa. Cũng chưa đủ. Phải hên nữa.”
Hên trong kinh doanh, theo ông Chín, chiếm đến 60% mức độ thành công. “Khi mình hên thì mình làm việc này nó kéo theo được nhiều việc khác, rất dễ dàng.”
Ông nói như tâm sự, “Những đồng tiền đầu tiên mình kiếm được trong kinh doanh khó lắm, chua lắm. Cũng như $100,000 mà tôi có được khi nhận hợp đồng trị giá $1 triệu để làm vaccine cho chính phủ sau sự kiện 9-11 chua lắm. Khi đó mình gần như phá sản rồi. Đó là tiền mồ hôi, nước mắt. Tiền của 14 tiếng làm việc mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Nhưng khi thời cơ đến mình phải biết cầm cờ mà phất. Có $100,000 mình sẽ làm được $1 triệu, từ $1 triệu đó thì triệu thứ hai, thứ ba trở đi dễ kiếm lắm.”
Như ông nói, cái hên này sẽ kéo theo cái hên kia, “nhiều khi tiền cứ như từ trên trời rơi xuống.”
Ông “tiết lộ,” “Năm 2016 tôi sẽ có thêm sản phẩm mới, đó là ốc bưu!” Đó là những con ốc bưu từ đâu đổ về trên dòng sông ngay ruộng mía của ông.
“Giờ tôi đang học cách nuôi coi nó đẻ trứng nở con thế nào, rồi học cách phân loại, liên lạc với các nhà hàng để bỏ mối cho họ. Có phải là tiền từ trên trời rơi xuống không?” Ông Chín cười đắc chí.
Học “biến rác thành tiền” từ bó rau muống của mẹ
Sang Mỹ năm 1975 cùng vợ chồng người anh trai khi mới 8 tuổi, ông Chín Đàm cũng trải qua thời gian vừa đi học vừa đi làm như bao người dân tị nạn khác.
Ông cho biết, “Tôi học về thương mại, nhưng thương mại trong nhà trường chỉ dạy những điều căn bản thôi. Tôi học chính là từ mẹ tôi, bài học đầu tiên bà dạy tôi là từ bó rau muống.”
“Mẹ tôi cầm bó rau muống nói, ‘Con thấy cái ngọn không, ai cũng thích cái ngọn. Mình ngắt hết cái ngọn là phần ngon nhất để bán, vì thích ngọn nên ai cũng mua, xem như mình không cần bận tâm chuyện bán ngọn. Còn lại phần cọng là hàng kẹt, vì phần đó già không ai ăn.’”
Mẹ tôi chẻ phần cọng đó ra, ngâm vào nước, mang bán cho các hàng bún riêu, vì ai bán bún riêu cũng phải cần rau muống chẻ hết.
“Mẹ tôi nói, ‘Như vậy, thay vì cọng rau già xem như phần rác vứt đi thì giờ mình lại biến thành rau muống chẻ bán còn đắt tiền hơn phần ngọn. Cho nên, con làm ngành gì thì làm nhưng khi nào con biết biến rác thành tiền thì con bước chân vào thương mại được,’” ông chia sẻ.
Bài học biến rác thành tiền – “trask to cash” – mà ông Chín học từ người mẹ là như vậy.
Không dừng lại ở đó, bài học tiếp theo mà người được xem là thành công trên thương trường này cũng học được từ mẹ của mình chính là sự thật thà.
Ông Chín nói, “Ngày xưa gia đình tôi bán vải. Mẹ tôi nói con đo đúng thì suốt đời ăn không hết, đo mà rút lại thì chống gậy mà ăn, tức là nếu ăn gian thì sẽ đi ăn mày.”
Hai bài học nghe chừng đơn giản đó, liệu ai cũng học được để thành công?
Học công thức làm ra tiền
Câu chuyện dài của ông Thomas Chín Đàm cùng phóng viên Người Việt ngay tại lò ấp trứng của ông gần chợ Bến Thành và dọc đường từ Bolsa hướng đến vùng Ramona ở San Diego khi lên thăm nông trại nuôi vịt, trồng mía của ông, không dừng lại ở chuyện nuôi gà nuôi vịt trồng mía bắt ốc, mà sâu hơn, là những bài học, những kinh nghiệm của một người có nhiều năm dấn thân vào thương trường trên nhiều lãnh vực muốn chia sẻ cùng mọi người.
Chủ nhân Hột Vịt Lộn Long An chiêm nghiệm, “Làm việc gì cũng khó khăn hết nhưng mình phải biết công thức để kiếm tiền vì tiền là một thứ mơ hồ lắm. Tiền phải biến ra thành tiền. Tiền có lúc kiếm không ra, lúc mình không kiếm nó lại đến.”
“Tôi làm ở đây cũng lâu, từ 1995 đến nay gần 20 năm, giờ nhìn lại thấy hồi xưa mình làm sai hết, hoặc mình làm đúng nhưng chưa đúng tới nơi tới chốn vì mình không đủ tiền để xoay. Làm bất cứ ngành gì cũng cần có tiền để xoay, không có tiền sẽ chết. Quan trọng là học công thức làm ra tiền. Điều này không ai chỉ.”
Ông kể, “Năm 2003 xảy ra dịch cúm gia cầm, cả ba tháng trời người ta không ăn gà vịt. Tôi học thêm bài học: không bao giờ tập trung kinh doanh vào duy nhất một lãnh vực!”
Thế là, “người nông dân” Chín Đàm lại bước vào một lãnh vực mới: nuôi chuột bạch cho phòng thí nghiệm, nuôi thỏ và chích máu từ tai thỏ để người ta làm thuốc thử thai.
Đó là chưa kể ông còn nuôi gần 50,000 con chim cút không phải chỉ để lấy trứng bán mà chủ yếu là “cũng làm vaccine dành cho những người bị dị ứng với gà” và trên 200 con ngỗng vừa lấy trứng bán vừa làm thuốc trị hiếm muộn.
“Như vậy đã đủ hết những gì mà Hột Vịt Lộn Long An ‘bao sân’ chưa?”
“Chưa!”
Ông Chín không chỉ là một nông dân “chăn vịt” mà ông còn là một người kinh doanh bất động sản, làm ăn theo cách thức của Samuel Brannan, người được xem là triệu phú đầu tiên của California trong thời kỳ tiểu bang này “dậy sóng” với phong trào đào vàng của những năm cuối thập niên 1840.
Chuyện kể rằng, năm 1848, vàng được tìm thấy dọc bờ sông American, California. Trong khi những người đầu tiên phát hiện ra vàng cố gắng giữ bí mật này, thì có một người đàn ông cầm một bình thủy tinh chứa đầy vàng chạy khắp các con đường ở San Francisco hét toáng lên: “Vàng! Vàng ngoài sông American!”
Người đó là Samuel Brannan.
Tuy nhiên, ông Brannan giàu lên không phải vì ông tham gia đi đào vàng như bao người khác mà vì trước đó ông đã mua cửa hàng duy nhất nằm giữa San Francisco và bãi vàng, chất vào đó tất cả mọi thứ hàng hóa thiết bị ông có thể tìm được, rồi bán lại hay cho dân đào vàng thuê với một giá lời không thể tưởng tượng được.
Ông Chín Đàm hiện tại cũng làm công việc tương tự tại nơi người Mỹ đang xây dựng những nhà máy chế biến “ethanol” bằng cách mua những trung tâm thương mại, các thị trấn, các khu chung cư và cho những người công nhân quanh đó thuê!
Người đàn ông sinh năm 1963 có vầng trán rộng và nụ cười tươi tắn nhận xét, “Mỹ là nơi cho phép người ta muốn làm gì làm. Mỹ cho mình nhiều cơ hội để thành công. Và với tôi, làm nghề nên chọn nghề đặc biệt mà nghề đặc biệt ở Mỹ luôn luôn có.”
Trước khi câu chuyện kết thúc, ông Chín Đàm chìa ra tấm bảng gỗ khoe do “bà xã mua tặng,” trên có dòng chữ ghi theo kiểu thư pháp: “Đời: Muốn thành công phải trải qua thất bại. Trên đường đời có dại mới thành công,” như một lời nhắn nhủ với những ai còn loay hoay chưa định được cho mình một con đường đúng trên thương trường.
Ngọc Lan
Tết phát tài của vua trứng vịt người Việt tại Mỹ
Thứ sáu, 2015-02-20 – Nguồn: Eva.vn
Những món ăn truyền thống vừa mang lại hương vị tết cho những người Việt xa xứ, vừa giúp một người …
Trong khi người dân Việt Nam và hàng triệu kiều bào đang nô nức đón Tết Nguyên đán, người đàn ông gốc Việt Thomas Chín Đàm ở bang California, Mỹ lại càng tất bật hơn với công việc kinh doanh của mình.
Trả lời phỏng vấn tờ NBC News, ông Đàm, 52 tuổi, cho hay ông có thể cảm nhận rất rõ không khí Tết của người Việt ở Mỹ thông qua công việc bán hàng của mình.
Ông Đàm cho biết: “Tết đến, ai ai cũng đến chỗ tôi mua trứng vịt. Dịp Tết này tôi bán được khoảng 200.000 quả trứng vịt để cho mọi người dùng làm thực phẩm trong dịp gia đình đoàn tụ này”.
Ông Đàm cười lớn: “Mọi người đều gọi tôi là Người Vịt hoặc Vua Vịt”. Ông cho biết sở dĩ ông có biệt danh đó là vì mọi người rất thích những quả trứng vịt tươi của ông để làm món thịt kho trứng vịt cho ngày tết.
Đối với nhiều gia đình người Việt, đặc biệt là ở miền nam, thịt kho trứng vịt (hay thịt kho hột vịt) là món ăn chủ đạo trong 3 ngày tết. Món ăn này được các bà, các chị nấu trữ sẵn trong nhà, đến bữa chỉ cần hâm nóng lên là có ngay món ăn ngon cho ngày tết bận rộn.
Ông Đàm nói rằng cũng giống như đồng bào trong nước, trong ngày đầu năm mới người Việt ở Mỹ rất bận rộn đến chùa cầu may, thăm thú người thân, bạn bè nên có rất ít thời gian để nấu nướng, và món thịt kho hột vịt là một giải pháp thực phẩm tuyệt vời của họ
Trong những ngày bình thường, ông Đàm là nhà cung cấp trứng vịt lộn nổi tiếng ở Nam California, với một mạng lưới kinh doanh nhiều triệu USD, và trụ sở của ông chiếm gần như một khu nhà trong thành phố.
Tuy nhiên, người đàn ông gốc Việt này vẫn khiêm tốn tự nhận mình là một nông dân, dù đã sở hữu trong tay một “tiểu đế chế” với một cửa hàng bán lẻ ở Westminster, một trang trại vịt ở gần hạt San Diego với hơn 30 lò ấp trứng, công suất 11.000 quả trứng mỗi lò.
Không chỉ bán trứng vịt làm thực phẩm, trang trại của ông Đàm còn cung cấp trứng gà và trứng cút cho các nhà sản xuất vaccine để chiến đấu chống lại các căn bệnh nguy hiểm, đồng thời giúp ông thu về nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Không chỉ cung cấp trứng vịt, ông còn bán cả bánh chưng truyền thống mang nhãn hiệu Long An cho người Việt ở Mỹ đón tết. Những chiếc bánh chưng này được chuyển đi khắp nước Mỹ, giúp những người Việt xa xứ cảm nhận chút hương vị quê nhà dịp tết.
Tuy vô cùng bận rộn với công việc kinh doanh của mình, song ông Đàm cũng thấy rất xúc động mỗi dịp tết đến xuân về, khi ông cùng vợ và 4 đứa con cùng sum họp bên bữa cơm gia đình, chúc cho một năm mới hạnh phúc, thịnh vượng hơn.
Ngọc Lan – Người Việt – 10 Nov 2014
(Theo Blog ChauXuanNguyen)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.