tháng 11 2014


Ông Maslow đã vẽ ra cái tháp nhu cầu (Hierarchy of Need) của loài người. Đầu tiên là nhu cầu sinh lý ( ăn- ngủ - x - y), và cao nhất là nhu cầu tự thể hiện (Self Actualisation), tức nhu cầu khoe. Ông bà ta nói, tốt khoe, xấu che. Khoe chỉ diễn ra khi mình có mà xung quanh không có. Ai cũng đi xe đạp thì có chiếc Dream thì phải dựng trước nhà. Ai cũng rách rưới thì khi có chiếc áo mới, Tony sẽ mặc ra đứng đầu xóm cho cả làng bu lại coi. Xe hơi đắt đỏ như bây giờ thì nhiều cậu choai choai gọi là vợ hai, 4h sáng đã ngủ dậy lau chùi đứng nhìn vô đó miết. Trong từng giai đoạn thì người ta sẽ khoe khác nhau, mấy năm sau khi nhìn lại thấy buồn cười không chịu được. Nếu bạn để ý báo chí trong những năm đầu thập niên 90, thì phần quảng cáo xí nghiệp nào cũng có ông giám đốc ngồi trên bàn làm việc, đeo cà vạt, tay cầm cái điện thoại bàn. Tony còn giữ cái ảnh chụp lúc 10 tuổi, mang dép nhựa và 1 tay mở cái tủ lạnh nhà người bạn để chụp hình, ngồi coi sướng miết cả ngày.

Thật ra, đi nước ngoài mới thấy mấy ông Tây cũng khoe dã man. Họ khoe những hầm rượu mấy trăm năm. Họ khoe những cuốn sách quý họ đọc được trong thư viện. Họ khoe về những vùng đất họ đã đi qua, về những con người ở xứ sở tít mù nào đó họ đã đến khám chữa bệnh, dạy học hay cứu trợ. Dân Á thì lại khoe tiền bạc và danh vọng. Trừ Nhật Bản là ít khoe, mấy nước nghèo mới nổi lên khoe ác chiến lắm. Dân Trung Quốc, Indo, Thái Lan...., ở đâu người ta cũng khoe xe Ben Lây Lé Xệt Lam Bo Ghi Ni. Ở Hà Nội, gặp đại gia là trước sau gì cũng nghe “con xe” này con xe kia, biệt thự Trung Hòa Nhân Chính, đơn lập Hồ Tây. Đại gia miền Tây thì thôi đeo vàng từ trên xuống dưới, nhà có nhiêu vàng lôi ra phủ hết trên người. Rồi nhiều buổi họp lớp thực chất là dịp gặp nhau để khoe. Ai có gì khoe nấy, chủ yếu là của cải tài sản hay con cái học trường điểm trường chuyên hay 1 trường danh tiếng nào đó ở bển. Chân dài + đại gia => đám cưới siêu xe, rước dâu dài cả phố, càng dài càng được xã hội nể.

Hòa trong không khí ấy, tối qua Tony thức cả đêm để quyết định khoe gì. Biệt thự chăng. Xe hơi chăng. Thường quá. Hay khoe cái quần lót 2 tỷ ? Cũng thường quá. Thôi mình khoe bằng cấp đi, những tấm bằng mà mình đã sưu tập, mua bán, năn nỉ, đạo văn, quay cóp...tức hẻm có cái liêm sỉ nào mà mình không từ bỏ để có được.

Thế là cả đêm thực hiện chiến dịch truy tìm bằng cấp. Đầu tiên là bằng bé khỏe bé ngoan, rồi bằng tiểu học, bằng cấp 2 cấp 3 đại học thạc sĩ tiến sĩ...ồ ạt được lau bụi ép nhựa, ngày mai sẽ photo dán đầy nhà, đầy công ty, tặng các đối tác. Trường cấp 3 bình thường sẽ được sửa thành trường chuyên nghe cho oách, nhưng đừng hỏi chuyên gì nghen. Bằng đại học tại chức chuyên tu liên thông sẽ sửa thành hệ chính quy tập trung dài hạn, lớp cử nhân tài năng. Các bằng thạc sĩ tiến sĩ mua mấy ngàn đô từ nước ngoài nữa. Cũng đừng có nói nước ta không ai là doanh nhân nhé vì Tony đã nộp mấy triệu đăng ký vào câu lạc bộ doanh nhân rồi.

Hôm bữa đi từ thiện cho trại mồ côi nọ, sợ mấy bà sơ và các cháu ấy quên ơn nên Tony có bắt ký xác nhận, và có bằng khen của xã nè. Đi từ thiện là phải có báo chí truyền hình đi theo quay lên mới đi, thay vì tiền quảng cáo mấy chục triệu mà lên sóng được có mấy giây, tính ra thông qua chương trình từ thiện vẫn hiệu quả. Có lần Tony đưa tiền mà mấy “ hoàn cảnh đáng thương” cứ thấy máy quay phim lia tới mặt là cười, thế là cậu quay phim tới tát 2 bạt tai, thế là “hoàn cảnh đáng thương” ấy khóc liền. Lúc đó chụp hình quay phim lật đật nhào vô, ghi rõ “ cảnh xúc động của người nghèo khi nhận tiền từ thiện từ doanh nhân Tony Trần Văn Tèo”. Thấy tụi nó khóc mà Tony vui sướng gì đâu. Vô thăm bệnh nhân cũng giả đò ngồi xuống nắm tay nắm chân, mắt không rời ống kính quay phim, xức dầu nước mắt ràn rụa. Nó mà hết quay là phủi tay đứng dậy liền, sợ lây bệnh thấy mẹ.

Đang hý hửng “chương trình khoe xin được phép tiếp tục” thì đọc tin sét đánh. Người ta nói mày học vậy thì có giàu có là bình thường. Phải ngược lại. Không học gì mà làm được người ta mới nể. Bắt chước ông gì xuất bản cuốn " Từ cậu bé chăn trâu mồ côi thành tổng giám đốc" hem? Nghe đồn bữa ra mắt cuốn sách này, ông ấy đã nhốt cha mẹ trong nhà trước đó mấy ngày liền. Không phải bất hiếu mà là sợ báo chí phát hiện có cha có mẹ, hết nể. Hoặc phải nói bỏ học nửa chừng, bỏ càng sớm càng tốt.

Bèn đốt hết bằng cấp. Lý lịch cuối cùng của Tony: lớp 3 nghỉ học ở nhà chăn trâu, chăn được 2 năm thì đi ở đợ, 2 năm sau bị chủ nhà quánh dữ quá, sợ bị quánh chết nên đi lên Sài gòn bốc vác, được mấy năm thì bốc không nổi nữa nên đi biên giới Lạng Sơn làm đấm bóp, sau đó đi Mỹ diện con nai (con lai), thành Việt Kiều. Về nước mở hãng phân Phượng Tím, chuẩn bị mua lại chợ Bến Thành sơn sửa lại thành trung tâm thương mại Tony Plaza chỉ để bán phân và cá mắm giải trí cho vui. Nói thêm, Phượng Tím là tập đoàn đa quốc gia khổng lồ có tới ....2 nhân viên, trình độ như chủ. Trụ sở đặt đâu ta? Thôi quận 1 đi cho nó trung tâm.

Lao tâm khổ trí, vật vã mãi chỉ để người đời nó nể, để được nổi tiếng chút thôi mà.

Nể giùm tui cái....
( Hình minh họa: Biệt thự, xiêu se và quần đùi đỏ của Tony)

Cuốn những năm 1980, Starbucks vấp phải chướng ngại vật: Schultz muốn nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng khắp nước Mỹ. Nhưng sau khi mở vài chục cửa hàng, mô hình bắt đầu đổ vỡ. Báo cáo cho biết mảng chăm sóc khách hàng – một yếu tố chủ đạo, thậm chí còn quan trọng hơn chính sản phẩm của Starbucks – đang tụt dốc.



Có lẽ những người chỉ trích Starbucks đã đúng. Thời điểm ấy, cũng như hiện nay, rất khó khuếch trương thương hiệu lên tầm quốc gia, chứ chưa nói đến toàn cầu. Giá trị vô hình, bao gồm cả chất lượng dịch vụ, không phải lúc nào cũng tương xứng với kích cỡ và quy mô doanh nghiệp.

Bước đột phá xảy đến khi Schultz chấp nhận là trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng có một nghệ thuật mà ông không hiểu rõ. Để xây dựng công ty biết chăm sóc khách hàng đòi hỏi sự đồng cảm của nhân viên, trong khi văn hóa nhân viên lại là thứ Schultz không có. Ông thuộc “mẫu A” – tức người có tinh thần cạnh tranh cao độ, trẻ-nhà-nghèo-vào-đại-học-nhờ-học-bổng-thể-thao và làm-gì-cũng-thành-công. Những người như vậy hầu như không bao giờ có được thái độ cảm thông và hiền hậu.

Thế nên vào năm 1989, Schultz hành động can đảm. Ông dẹp “cái tôi” sang một bên và thuê người ngoài có tính khí đối ngược hoàn toàn với mình để cũng cố đạo đức nhân viên và xây dựng dịch vụ khách hàng tại Starbucks. Người đó cũng mang tên Howard. Howard Behar.

“Chúng tôi khác nhau đến mức buồn cười”, Behar nhớ lại. “Chúng tôi trông khác nhau. Anh ấy cao, vạm vỡ, thuộc phe diều hâu. Tôi thấp và tròn. Thế giới quan cũng khác nhau. Chúng tôi cãi nhau ba năm liền về tầm quan trọng của văn hóa nhân viên với Starbucks khi muốn quy mô hóa ra nước Mỹ cũng như toàn thế giới. Với Schultz, văn hóa quan trọng nhưng không chính yếu. Với tôi, văn hóa là tất cả”.

Mối quan hệ Howard-Howard có khởi đầu chông gai. Song cả hai vẫn không ai buông tay. Trên thực tế, Howard Behar trở thành giám đốc Starbucks Quốc tế vào năm 1995 và làm việc dưới trướng Howard Schultz trên cương vị này suốt 7 năm, sau đó nghỉ hai năm rồi quay lại với tư cách giám đốc Starbucks Bắc Mỹ cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2003.

Phép màu có thể xảy ra khi “cái tôi” to tướng bị dẹp bỏ.

Theo Forbes VNA

Cây lưỡi cọp, dừa cảnh, kim ngân trồng ở nhà giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí, chuyển đổi khí CO2 thành ôxy vào đêm nên rất tốt cho sức khỏe.

Khoảng 23 năm trước, nhà nghiên cứu Kamal Meattle bị dị ứng nặng với bầu không khí đầy bụi bẩn ở New Delhi, Ấn Độ. Bác sĩ cho biết dung tích phổi của ông đã giảm xuống còn 70%. Với sự hỗ trợ của Viện Công Nghệ Ấn Độ, ông đã phát hiện ra ba loại cây quen thuộc là dừa cảnh, cây lưỡi cọp và kim ngân, có thể tạo ra đủ khí sạch trong nhà để giữ gìn sức khỏe.

Ba loại cây trồng quen thuộc ở Việt Nam gồm cây dừa kiểng, lưỡi cọp và kim ngân. Ảnh: Ted.

Theo đó, cây dừa cảnh (Areca) thích hợp cho phòng khách giúp loại trừ bụi bẩn bay trong không khí mà máy hút bụi không thể loại trừ hết. Loại cây này giúp chuyển đổi khí CO2 thành O2 hiệu quả. Mỗi người cần 4 cây dừa cảnh cao ngang vai là đủ lượng không khí sạch cho hô hấp. Để chăm sóc cây, cần làm sạch bề mặt lá mỗi ngày nếu ở trong môi trường nhiều bụi bẩn. Mang cây ra ngoài trời khoảng 3-4 tháng một lần.

Cây lưỡi cọp còn được gọi là cây dành cho phòng ngủ, giúp cả nhà có giấc ngủ ngon với bầu không khí thanh sạch. Về đêm, cây chuyển đổi khí CO2 thành O2 mà nhiều loại cây khác không làm được. Mỗi người cần từ 6 đến 8 cây cao ngang thắt lưng, để thanh lọc không khí.

Cây kim ngân cũng rất phổ biến, phát triển trong môi trường nước có nhiều chất dinh dưỡng. Loại cây này trồng trong nhà có thể giải chất độc formaldehydes và một số chất hóa học dễ bay hơi khác.

Năng suất làm việc sẽ tăng 20% trong căn phòng được bố trí các loại cây tạo không khí trong lành. Ảnh: Architector.

Nhóm nghiên cứu của Kamal Meattle đã trồng thử nghiệm 1.200 cây thuộc 3 loại này tại tòa nhà của mình rộng 4.650 m2 với 300 người cư ngụ ở New Delhi, trong vòng 20 năm. Kết quả cho thấy khoảng 42% khả năng lượng oxy trong máu của một người tăng lên 1% nếu người đó ở trong tòa nhà này trong 10 tiếng đồng hồ.

Chính phủ Ấn độ đã công bố kết luận rằng đây là tòa nhà có lợi cho sức khỏe nhất ở New Delhi. Nghiên cứu đó cũng chỉ ra rằng so với các tòa nhà khác, dân sống ở nơi đây giảm 52% bệnh về mắt, 34% bệnh liên quan đến hệ thống hô hấp, 24% chứng nhức đầu, 12% bệnh gây suy yếu chức năng phổi và 9% bệnh hen suyễn. Kết quả nghiên cứu này đã xuất hiện trên trang web của chính phủ Ấn Độ. 
Kamal Meattle nhiều năm theo đuổi việc tái tạo không khí trong lành nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Ảnh: Ted.

Thực nghiệm cũng chỉ ra rằng năng suất lao động tăng trên 20% với người ở trong các tòa nhà có sử dụng những loại cây thanh lọc không khí này. Nhu cầu năng lượng trong các tòa nhà cũng giảm 15% bởi vì khi đó người ở cần ít không khí sạch hơn. Ấn Độ đang tiếp tục trồng các loại cây này trong một tòa nhà rộng 32.500m2 với 60.000 cây.

Các nhà khoa học cho rằng việc phát hiện ra 3 loại cây làm sạch không khí này rất quan trọng đối với môi trường, bởi vì nhu cầu năng lượng của toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 30%. Người ta dần sẽ thích sống và làm việc trong những khu vực có điều hòa không khí.

Kamal theo đuổi kiến trúc xanh, những tòa nhà mang kiến trúc bền vững với phương châm: “Hãy thay đổi thế giới như những gì bạn muốn” như Mahatma Gandhi từng nói.

Khánh Ly (Theo Ted)



Đã vài tháng kể từ khi Starbucks đặt chân đến Hà Nội trong sự chào đón nồng nhiệt và những đoàn người nối tiếp nhau xếp thành hàng dài.

Starbucks dự kiến sẽ có thêm nhiều chi nhánh tại Việt Nam
Thương hiệu này hiện đã có ba chi nhánh đẹp lung linh ở thủ đô và độ thịnh hành của nó vẫn chưa có dấu hiệu giảm sút. Chắc chắn sẽ có thêm các chi nhánh khác mọc lên trong tương lai, theo lẽ tự nhiên.
Thế nhưng bất chấp sự phấn khích trong giới trẻ yêu cà phê tại Việt Nam, tôi vẫn cảm thấy rất phiền muộn.
Tìm hiểu về thương hiệu
Starbucks là một trong những thương hiệu khổng lồ mới nhất có sự khởi đầu thành công tại thị trường Việt Nam trong thời gian gần đây.
Từ sau Đổi Mới, Việt Nam đã mở rộng cánh tay chào đón nhiều thương hiệu lớn của Mỹ như KFC, Burger King, chuỗi cửa hàng bánh burger Lotteria của Hàn Quốc, và rất nhiều thương hiệu khác.
Những cửa hàng này, bao gồm các chi nhánh đầu tiên của McDonalds và Starbucks, từng tập trung chủ yếu ở trung tâm thương mại của TP.HCM. Nhưng Hà Nội giờ đây cũng bắt đầu tham gia vào cuộc chơi.
Là một người nước ngoài sống ở thủ đô, tôi nhìn sự xuất hiện của những thương hiệu lớn từ nước ngoài với một chút lo lắng.
Tôi đã chấp nhận một cách miễn cưỡng rằng Burger King và McDonalds mang lại dịch vụ thức ăn nhanh, vốn không dễ tìm thấy ở những nhà hàng khác tại Việt Nam. Nhưng việc có nhiều chi nhánh của Starbucks mọc lên như hiện nay là điều hoàn toàn không cần thiết.
Là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ nhì trên thế giới, Việt Nam có một văn hóa cà phê phong phú, với đủ thể loại và kích cỡ được bày bán ở mọi ngóc ngách, nẻo đường. Việc một đối thủ nước ngoài chào bán một sản phẩm giống hệt với giá cao gấp bốn lần là không cần thiết, đặc biệt với hãng có tiểu sử trốn thuế doanh nghiệp như Starbucks.
Điều này không khác nào Pizza Hut xuất hiện ở nước Ý.
Sự pha trộn tốt nhất
Với tôi, một trong những nét duyên dáng nhất trong đời sống thường nhật ở Việt Nam là việc thưởng thức cà phê mỗi ngày (nhiều người đã chán ngấy việc phải nghe tôi giải thích đi, giải thích lại cảm giác thích thú khi thưởng thức cà phê sữa đá vào mỗi sáng mùa hè).
Sự đa dạng, chất lượng đồng đều của hạt cà phê có lẽ là tốt hơn Starbucks, vốn dùng hạt Arabica thay vì hạt Robusta phổ biến và có vị đắng hơn.
Thế nhưng, điều kỳ lạ là tôi lại thích cảm giác không biết chính xác thức uống tôi vừa gọi sẽ có mùi vị thế nào, như là một trò chơi xổ số vậy.
Đôi khi cà phê dở một cách đáng thất vọng, nhưng đôi khi lại có hương vị rất tuyệt vời.
Hành trình tìm kiếm những quán cà phê ngon nhất ở Hà Nội, Huế hay thành phố Hồ Chí Minh dường như là vô tận.
"Việc thiếu vắng sự khác biệt ảnh hưởng đến cả không gian xung quanh. Các cuộc hội thoại trở nên hời hợt hơn trong một không gian tẻ nhạt. Người ta đến đây dường như là để khoe khoang sự giàu có và sành điệu"
Tôi cũng tin rằng lời hứa của Starbucks ở trên website về việc thừa nhận di sản cà phê Việt Nam ở các cửa hàng của họ là điều không tưởng.
Tập đoàn này không thể tái hiện lịch sử hoặc không gian tuyệt vời mà bạn có thế cảm nhận được ở một quán cà phê địa phương.
Các quán cà phê của Starbucks cũng chắc chắn sẽ không có gì giống với Café Đinh, một trong những nơi ưa thích nhất của tôi.
Nằm phía trên một tiệm bán ba lô ở Hoàn Kiếm, quán cà phê này đã phục vụ không biết bao nhiêu khách hàng suốt hơn 70 năm qua.
Để tới được đây, trước hết bạn phải lùng ra tiệm bán ba lô (chỉ riêng điều này đã là một thách thức) và sau đó đi qua những bậc cầu thang tối, ẩm ướt để vào một căn phòng nhỏ, đầy khói thuốc.
Những bức chân dung gia đình cũ kỹ lấp đầy các bức tường, tàn thuốc lá, hạt dưa vương vãi trên sàn nhà, nơi đặt đầy những chiếc ghế gỗ nhỏ.
Thức uống tại đây được pha chế và phục vụ bởi một người phụ nữ cao tuổi sống ở đây đã hàng chục năm.
Các khách hàng thường nhanh chân dành lấy chỗ ngồi tốt trên ban công nhìn ra hồ, nơi họ có thể tận hưởng không khí trong lành. Café Đinh thật là tuyệt vời.

Starbucks được nhiều người trong giới trẻ Việt Nam ưa chuộng
Như tất cả mọi người đều biết, những quán cà phê ngon nằm rải rác ở khắp các thành phố tại Việt Nam, với nhiều dáng vẻ đa dạng.
Những năm qua, tôi đã nhấm nháp, thưởng thức cà phê bên cạnh những cảnh tượng kỳ lạ như một bộ giáp sắt, một cây hoa khổng lồ mọc trong nhà, bộ sưu tập những xe đạp cũ hay một căn phòng đầy ắp mèo.
Một trong những điểm ưa thích của tôi tại thành phố Huế, với tên gọi là Café Bee, có hình dáng giống như tổ ong.
Starbucks không bao giờ có thể có những sáng tạo đầy bản sắc và mang tính hài hước như thế.
Dù sao đi nữa, đây cũng là một tập đoàn tự tôn đến nỗi đi kiện một người bán cà phê ven đường ở Thái Lan vì sử dụng tên 'Starbung' và logo giống hãng này.
Những cửa hàng Starbucks của Hà Nội có tiêu chuẩn riêng và rất vệ sinh. Vâng, chúng rất thoải mái và được trang trí rất đẹp. Bạn hẳn là không thể tìm thấy những chiếc ghế nhựa nhỏ ở đây.
Có thể bạn sẽ nghĩ tôi phóng đại, nhưng thật khó để tìm ra cái gọi là 'tâm hồn' ở những nơi như thế.
Việc thiếu vắng sự khác biệt ảnh hưởng đến cả không gian xung quanh. Các cuộc hội thoại trở nên hời hợt hơn trong một không gian tẻ nhạt. Người ta đến đây dường như là để khoe khoang sự giàu có và sành điệu
Mỗi lần tới đây, tôi lại bị vây quanh bởi những con người ăn mặc thời thượng, trên tay cầm những chiếc điện thoại thông minh, ánh mắt dán chặt vào màn hình.
Tôi thừa nhận rằng thói nghiện chụp hình selfie hay trò Candy Crush không chỉ được thể hiện tại mỗi Starbucks, nhưng nó dường như hiện ra rõ hơn tại đây.
Tôi vẫn luôn được bảo rằng đó không phải là mục đích để thưởng thức cà phê tại Việt Nam.
Cốc cà phê là dịp để sẻ chia hy vọng, giải bày lo lắng, bàn bạc những hoài bão và tán chuyện với bạn bè.
Đó là dịp để chia sẻ những câu nói đùa, nhưng đôi lúc, chỉ đơn thuần là cái cớ để lặng ngắm một ngày trôi qua.
Điều gì ở phía trước?
"Cốc cà phê là dịp để sẻ chia hy vọng, giải bày lo lắng, bàn bạc những hoài bão và tán chuyện với bạn bè. Đó là dịp để chia sẻ những câu nói đùa, nhưng đôi lúc, chỉ đơn thuần là cái cớ để lặng ngắm một ngày trôi qua."
Tôi không nghĩ những quán cà phê độc lập sẽ bị đe dọa, chúng có những khách hàng trung thành riêng cho mình.
Thế nhưng Starbucks đại diện cho sự chuyển mình trong nếp sống văn hóa mà những quán cà phê này phải thích nghi theo.
Một buổi sáng nọ, tôi uống cà phê với chủ cửa hàng Café Đinh, nơi đang gần ngày nâng cấp, tân trang.
Anh chủ kể cho tôi bằng giọng buồn rầu về áp lực phải thay đổi phong cách trang trí – vốn đã được để lại từ nhiều thế hệ trước trong gia đình – để làm chúng lịch sự và thu hút những khách hàng trẻ hơn.
“Tôi được nói là phải sơn tường màu trắng thay vì đủ thứ màu lộn xộn như hiện nay".
"Tôi không muốn làm điều đó chút nào, bởi lâu nay nó đã luôn như vậy".
"Mọi người không nên đến đây chỉ vì nó bắt mắt. Họ đã luôn đến đây để tìm cảm giác thoải mái và tán gẫu về mọi chủ đề trên đời”.
Tôi đã chia sẻ vấn đề này trên Facebook trước khi viết những dòng này, và đã nhận được khá nhiều những phản hồi trái chiều từ bạn bè.
Một số không đồng tình với những lập luận của tôi và ca ngợi sự tiện nghi, sự thoải mái mà Starbucks đem lại.
Một người viết: “Việc chọn nơi uống cà phê là tùy theo quyết định của từng người. Không ai giống nhau cả".
Tôi nghe rất nhiều người nói rằng “Starbucks chẳng phải là cà phê, Starbucks là đồ uống ngọt pha vị cà phê".
Người thì bảo: "Có cần phải bảo thủ như vậy không?".
Có lẽ lý do chính vẫn là: Khi trở lại Anh quốc, tôi bị vây hãm bởi hàng loạt những cái tên như Starbucks, Pret a Mangers, Costa Coffees and Café Neros; tất cả đều cung cấp những sản phẩm y hệt, với giá cả giống nhau.
Ngày nay, các chuỗi quán bar, nhà hàng, hay siêu thị đua nhau mọc lên ở Leeds, Leicester, Liverpool và London.
Tôi cũng đã chứng kiến điều tương tự đang xảy ra ở Singapore, Kuala Lumpur, Bangkok, Manila, và cả TP.HCM.
Và nỗi lo sợ lớn hơn cả của tôi là Hà Nội, nơi chứa đựng những bản sắc không thể đánh mất, sẽ nối tiếp.

BBC

Finca El Injerto ở Guatemala là loại cà phê đắt nhất thế giới với giá 500 USD cho một pound (450g) bởi hương vị đặc biệt nhờ những hạt cà phê được rửa và bóc tới 2 lần.

1. Finca El Injerto Cafe: 500 USD/450g



Được trồng ở lãnh thổ Huehuetenango, Guatemala, những hạt cà phê Finca El Injerto được xem là đắt đỏ và quý hiếm nhất thế giới bởi sự kỳ công trong nuôi trồng và chế biến. Những hạt cà phê được rửa và bóc tới 2 lần, do đó, nó cho ra hương vị rất đặc biệt. Năm 2012, 450g El Injerto chưa qua chế biến có giá lên tới 500 USD, gần 12 triệu đồng.

2. Hacienda La Esmeralda Cafe: 350 USD/450g



Hacienda La Esmeralda là loại cà phê được trồng ở Boquete, Panama. Đây cũng là loại cà phê phổ biến trên toàn thế giới bởi hương vị tuyệt vời của nó. Những cây cà phê loại này được trồng dưới bóng những cây ổi, có thể chính bởi vậy mà Hacienda La Esmeralda nó có hương vị rất riêng. Giá của loại cà phê này là 350 USD/450g.

3. Kopi Luwak Cafe: 80 USD/cốc


Còn có tên gọi khác là cà phê cầy hương, chỉ có ở vùng Tây Lampung, Indonesia. Cầy hương sẽ ăn hạt cà phê, sau đó cà phê sẽ lên men một phần trong dạ dày con vật này trước khi được thải ra, làm nên mùi vị độc đáo. Bạn sẽ phải trả tới 80 USD để thưởng thức một tách cà phê Kopi Luwak.

4. Saint Helena Cafe: 79 USD/450g


Được lấy tên theo hòn đảo nhỏ nằm ở phía Nam Đại Tây Dương, cà phê Saint Helena nổi tiếng bởi mùi thơm và hương vị caramel đặc trưng, bên cạnh đó, người trồng phải mất tới 4 tháng để phơi nắng những hạt cà phê trước khi đem đi chế biến. Tất cả những điều trên tạo nên sự khác biệt của giống cà phê này.

5. Black Ivory Cafe: 50 USD/cốc


Loại cà phê này được sản xuất tại vùng núi thuộc tỉnh Chiang Rai, phía Bắc Thái Lan. Đây cũng là một sản phẩm được thải ra từ phân nhưng lại là phân voi. Người ta cho rằng, axit trong ruột voi sẽ loại bỏ protein trong hạt cà phê, nhờ đó tạo ra hương vị đặc biệt, không còn đắng như cà phê thường, đồng thời có hương vị của chuối và mía. Trong quá trình voi tiêu hóa, rất nhiều hạt bị nhai, vỡ hoặc biến mất trước khi được bài tiết, nên khoảng 33kg hạt mới thu được 1kg Black Ivory thô. Giá mỗi tách cà phê Black Ivory pha sẵn lên tới 50 USD.

6. Jamaican Blue Mountain: 50 USD/cốc


Được trồng ở độ cao 1.500m so với mặt nước biển, cà phê Jamaican Blue Mountain được đánh giá là một trong những loại cà phê ngon nhất nhì thế giới. Một cốc cà phê loại này có giá 50 USD.

7. Fazenda Santa Cafe: 50 USD/450g


Loại cà phê này được trồng thủ công, không hề dùng tới máy móc tại chân núi Mantiquera ở Brazil. Mùi vị của cà phê Fazenda Santa Ines gợi nhớ vị ngọt của hoa quả và caramel. Sản phẩm cà phê độc quyền này được bán ở một số cửa hàng đặc biệt trên thế giới với giá 50 USD/pound.

8. Cốc Starbucks đặc biệt: 48 USD/cốc


Thương hiệu cà phê hàng đầu thế giới, Starbucks vừa ghi nhận một kỷ lục mới cho cốc cà phê trị giá 48 USD. "Cha đẻ" của cốc cà phê đặc biệt này là Andrew, một thành viên vip trong chương trình “Trung thành cùng Starbucks”. Andrew đã mua rất nhiều nguyên liệu gồm 60 muỗng cà phê, 2 quả chuối, dâu tây, bột trà xanh matcha, gia vị bí ngô và sữa để pha trộn ra cốc cà phê đặc biệt này.

9. Los Planes Cafe: 40 USD/450g



Los Planes là một loại cà phê được trồng tại Citala, El Salvador. Đây là loại cà phê đứng thứ 2 trong lễ trao giải Cup of Excellence 2006. Giá thành của chúng khá cao 40 USD/450g nhưng đây chắc chắn là sản phẩm khiến bạn thay đổi nhận thức về các hương vị caramel và cam quýt vô cùng độc đáo.

10. Hawaiian Kona Cafe: 34 USD/450g


Hawaii thường được biết đến với những bãi biển sang trọng và vui nhộn, nhưng còn có một điều làm quần đảo này trở nên nổi tiếng chính là cà phê Kona. Người Brazil đã mang tới vương quốc Anh giống cà phê Kona và trồng trên vùng đất núi lửa màu mỡ vào năm 1820. Khí hậu ở đây rất thích hợp cho việc canh tác giống cà phê này. Hawaiin Kona có mùi vị của quả mọng và phảng phất chút caramel.

Trần Quỳnh (theo Therichest)

"Để thành công chỉ có 5% dựa vào chiến lược thông minh, còn 95% nằm ở phương thức thực hiện nó như thế nào".


Nội dung nổi bật:

- Carlos Ghosn là doanh nhân người Brazil. Ông tới Nhật Bản nhận chức CEO Nissan vào năm 1999 khi hãng này đang gánh món nợ 20 tỷ USD.
- Bỏ qua những quy tắc, văn hóa kinh doanh cổ hủ của người Nhật thời kỳ đó, Ghosn tạo ra nhiều cuộc cách mạng.
- Trải qua hơn một thập kỷ, Carlos Ghosn và Nissan đã cùng "vượt bão", hiện hãng này đã có vị trí vững chắc trên thị trường ô tô thế giới với kỳ vọng lợi nhuận năm 2014 đạt 4 tỷ USD.


Carlos Ghosn người Brazil hiện là CEO của hãng sản xuất ô tô Nissan của Nhật Bản. Kể lại sự nghiệp tại đây, Ghosn có rất nhiều cảm xúc.

“Vào năm 1999, khi ‘chân ướt chân ráo’ đến Nhật Bản nhận chức CEO của Nissan tôi hoàn toàn lạ lẫm. Chưa kể đến việc không thể nói được ngôn ngữ của đất nước sở tại, văn hóa của Nissan, thậm chí cả việc công ty có bao nhiêu chi nhánh tôi cũng không nắm rõ.

Nhưng, điều khiến tôi kinh ngạc hơn nữa là tình hình kinh doanh của công ty tại thời điểm đó. Báo cáo cho thấy, Nissan đang gánh món nợ lên tới 20 tỷ USD và chứng kiến 27 năm giá cổ phiếu sụt giảm”.

Ngày nay, Nissan đã vượt qua mọi sóng gió và đứng vững trong thị trường sản xuất ô tô thế giới.Năm 2013, hãng này đã bán được 5,1 triệu chiếc xe ô tô, ấn tượng hơn gấp nhiều lần so với con số khiêm tốn 2,6 triệu chiếc vào năm trước khi Carlos Ghosn xuất hiện. Trong năm 2014 này, Nissan đang lên kế hoạch đạt 4 tỷ USD lợi nhuận.

Ngoài ra, dưới thời của CEO Ghosn, Nissan đang được biết đến như doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực xe ô tô tự lái.

Để đạt được tất cả những thành công kể trên, CEO Carlos Ghosn đã phải trải qua rất nhiều khó khăn. Dưới đây là những chia sẻ về thử thách gặp phải đối với một CEO ngoại quốc và lời khuyên lãnh đạo, dẫn dắt doanh nghiệp “vượt bão” thành công của ông.

Bỏ qua những quy tắc

Ghosn nói: “Không ai muốn biến mình thành một “ông Tây xấu xí” trong mắt người dân bản địa, nhưng trong trường hợp của Nissan tôi đã phải làm điều đó.

Bất cứ ai khi được hỏi làm sao để có thể kinh doanh thành công tại nước ngoài đều trả lời rằng: Phải tôn trọng văn hóa nước bản địa. Nhưng, đối với tôi mà nói, nếu làm theo lời khuyên nghe có vẻ thông minh này thì chắc tôi đã gặp phải thất bại cay đắng và Nissan cũng không có được thành công như ngày hôm nay.

Văn hóa kinh doanh của người Nhật những năm 1999 có một danh sách dài những việc không được làm: Không được đột ngột chấm dứt quan hệ với các nhà cung cấp, không được thử thách những nhân viên đã có nhiều thâm niên, không được tùy ý bổ nhiệm những người trẻ tuổi vào vị trí cấp cao…

Tuy nhiên, trước gánh nặng nợ nần, tôi đã mạnh dạn làm điều ngược lại. 21.000 việc làm đã bị cắt giảm tương ứng với 14% số lượng nhân viên thời điểm đó. Ngoài ra, tôi quyết định đóng cửa 4 chi nhánh nội địa và cho bán đấu giá những tài sản và bộ phận kinh doanh thừa thãi của Nissan.

Không dựa vào nhà tư vấn

Trong thời kỳ Nissan gặp khó khăn, đã có rất nhiều công ty tư vấn danh tiếng liên lạc với Ghosn và đưa ra lời đề nghị hợp tác. Tuy nhiên, ông đã từ chối tất cả.

Ghosn nói: “Nếu như không có nền tảng vững chắc ở bên trong thì dù có một bản kế hoạch hoàn hảo và khả thi đến mấy bạn cũng sẽ gặp thất bại. Theo tôi, để thành công chỉ có 5% dựa vào chiến lược thông minh, còn tới 95% nằm ở phương thức thực hiện nó như thế nào.

Chính vì thế, tôi đã bỏ qua tất cả lời mời hợp tác của những công ty tư vấn hàng đầu và bắt đầu xây dựng những quy tắc, chuẩn mực từ bên trong cho Nissan. Đây mới là vấn đề quan trọng nhất tôi cho cần phải thực hiện ngay trong thời điểm đó”.

Lắng nghe, và nếu có thể, lắng nghe nhiều hơn nữa

Theo Ghosn: “Cách tốt nhất để tìm ra biện pháp giải quyết là lắng nghe ý kiến của nhiều người nhất có thể. Trước mỗi quyết định, bạn hãy tự nhủ: “Cần phải đi và gặp gỡ những người có ảnh hưởng hoặc liên quan đến vấn đề đang cần giải quyết và hỏi họ”.

Thực tế, Ghosn đã phải lấy ý kiến của hàng trăm nhân viên của Nissan để lập ra bản kế hoạch “đổi đời” cho công ty. Ông nhận ra, điểm yếu của hãng chỉ nằm ở 2 vấn đề là: Sức mua và sự tồn kho.

Đừng sợ tạo nên cách mạng

Thời điểm khi tôi nhậm chức tại Nissan, giới kinh doanh Nhật Bản đều không dám, thậm chí là sợ hãi khi nói đến việc tuyên bố chấm dứt hợp đồng với các nhà cung cấp. Nhưng, tôi cho rằng điều này thật điên rồ.

Nissan lúc đó phải gánh khoản nợ lên tới 20 tỷ USD và biện pháp cấp bách phải làm lúc đó là tìm mọi cách cắt giảm chi phí. Tôi đã cho đóng cửa hàng loạt chuỗi cửa hàng cung ứng hoạt động không hiệu quả. Hành động này lúc đó còn bị một số chuyên gia phân tích kinh tế địa phương cho là gây xúc phạm đến công chúng.

Lý do là bởi, tiền lệ của nước này là người mua và người bán có mối liên hệ “linh thiêng” với nhau gọi là “keiretsu”. Và hành động của tôi đã chấm dứt tiền lệ này.

Trước khi tôi chính thức nắm quyền điều hành, 25% nguyên liệu thép của Nissan được cung cấp bởi một công ty duy nhất, và tôi đã không ngần ngại giảm tỷ lệ này xuống còn 10%.

Chắc chắn về kết quả đạt được

"Là lãnh đạo bạn cần phải rõ ràng và chắc chắn trong mọi hành động. Điều này đặc biệt đúng khi muốn thay đổi một thói quen cũ kỹ. Không ai muốn thay đổi và nghe theo lời bạn trừ khi họ bị thuyết phục bởi một kết quả chắc chắn thành công.

Một khi chắc chắn và thuyết phục được đám đông, bạn sẽ nhận được thành công gấp đôi so với thông thường. Với Nissan, tôi đã nhận thức được rõ nét nhất điều này".

Nên tạo liên minh chứ không phải sáp nhập

Mối quan hệ giữa Renault và Nissan là một ví dụ. Nó chỉ đơn thuần là một sự liên minh chặt chẽ chứ không phải sáp nhập. Liên minh có nghĩa là mỗi công ty vẫn có được văn hóa, sức mạnh riêng. Còn nếu sáp nhập, công ty bạn sẽ mất đi sự đa dạng này.

Vân Đàm

Theo các thống kê của Bloomberg, đa phần những doanh nhân khởi nghiệp thường gặp thất bại trong những giai đoạn đầu tiên.



Sau đây là một số bài học kinh nghiệm đã được John Rampton, một cây bút của Forbes, tổng hợp lại từ vô số thất bại của bản thân lẫn các doanh nhân John quen biết.Bên cạnh những tác động nhất định của tình hình kinh tế vĩ mô thì một nguyên nhân khác đến từ việc các doanh nhân trẻ thường phạm phải một số lỗi cơ bản khi khởi nghiệp.

1. Xác nhận ý tưởng sản phẩm với khách hàng

Nhiều doanh nhân thường thất bại trong việc giới thiệu ý tưởng về sản phẩm đầu tiên với khách hàng. Đó chính là một sai lầm lớn của tôi khi tôi bắt đầu kinh doanh với Just A Five. Không một ai cần những dịch vụ mà công ty tôi đưa ra. Vì thế, tôi đã tốn hàng ngàn đô la làm ra những thứ mà chẳng ai muốn.

Gary Swartz là một ví dụ khác. Ông là người sáng lập ra Intellibank, một công ty mà ông từng miêu tả trên Linkedln là “Dropbox lỗi”. Những nhà đầu tư đã thuyết phục Swartz rằng sản phẩm của ông sẽ tạo được ấn tượng tốt, nhưng ông chưa bao giờ ngừng tìm hiểu về phản hồi của khách hàng.

“Người quan trọng nhất mà mọi công ty phải tìm kiếm sự công nhận đối với sản phẩm của họ chính là những khách hàng”, Swartz viết, “Khách hàng quan trọng hơn cả nhà đầu tư, vì đây chính là yếu tố để thúc đẩy nhà đầu tư đồng ý mạo hiểm với ý tưởng của bạn”.

2. Hiểu được tầm quan trọng của những cộng sự

Một doanh nhân giỏi luôn hiểu rằng bản thân không thể làm tất cả mọi thứ. Và thực tế có những công việc nằm ngoài khả năng của người sáng lập. Vì thế, có được một cộng sự hay sự hỗ trợ của các thành viên trong nhóm điều hành là điều rất cần thiết và quan trọng.

Bài học đơn giản ấy tôi đã vất vả có được khi tôi sáng lập công ty thứ hai, Pixloo.com. Đồng sáng lập với tôi khi đó là một nhà phát triển thông minh đầy tham vọng. Anh ấy đã làm việc rất chăm chỉ. Mọi công việc đều suôn sẻ trong suốt 10 tháng. Chúng tôi cho ra mắt sản phẩm và nhận được sự hưởng ứng từ hơn 80.000 khách hàng chỉ sau chưa đầy một tháng.

Sau đó những bất đồng nổi lên. Chúng tôi tranh cãi về đường lối phát triển công ty và về quyết định kêu gọi vốn đầu tư. Anh ấy không đồng ý nhượng bộ. Dù biết rằng không nên để sự bất đồng ý kiến tiếp diễn, nhưng bởi anh ấy sở hữu một nửa công ty, tôi không thể làm gì khác. Cuối cùng, chúng tôi phải bán công ty đi với giá rẻ.

3. Phải luôn kiên trì lấn tới

Hầu hết mọi người đều không hứng thú với những người bán hàng quá “nhiệt tình”. Nhưng những ai muốn thành công trong kinh doanh đều phải cực kỳ kiên trì “tấn công” khách hàng của mình.

Khi bắt đầu kinh doanh, tôi có hai kịch bản để chọn lựa: không có tiền hoặc phải gọi điện và thuyết phục thành công từng khách hàng tiềm năng một. Nếu không có sự thúc đẩy lớn, hầu hết những công ty mới khởi nghiệp sẽ thất bại.

4. Việc gây quỹ sẽ mất nhiều thời gian

Khi khởi nghiệp, các công ty thường tập trung vào việc cung ứng giải pháp cho một vấn đề nào đó của khách hàng, song tài chính vẫn là yếu tố quan trọng để các công ty có thể hiện thực hóa ý tưởng đó. Công ty không thể triển khai kế hoạch hay phát triển nếu không có doanh thu. Mặt khác, xây dựng một công ty cũng đòi hỏi nhiều chi phí.

Quá trình kêu gọi gây quỹ có thể tốn rất nhiều thời gian. Các doanh nhân mới khởi nghiệp cần chấp nhận thực tế là mình sẽ bị từ chối rất nhiều lần cho đến khi tìm được nhà đầu tư phù hợp. Tôi đã từng làm việc với nhiều doanh nhân đã tìm đến hơn 50 nhà đầu tư nhưng vẫn không nhận được kết quả thuận lợi nào.

5. Vấn đề thanh toán không nằm trong dự đoán

Khi tôi đưa công ty thứ hai của mình, Pixloo.com, vào hoạt động, tôi đã nghĩ rằng sẽ có khoảng một triệu khách hàng sẵn sàng trả 10 đô la một tháng. Tôi đã lầm. Chỉ có 90 người trả 10 đô hằng tháng. 80.000 khách hàng trong số còn lại không trả tiền.

6. Luôn duy trì một tầm nhìn xa và dài hạn

Hầu hết doanh nhân đều cần đến một mục tiêu dài hạn nếu muốn việc kinh doanh phát triển. Meetro, một trong những cơ sở mạng xã hội đầu tiên làm một ví dụ.

Trong thời gian đầu, công ty này đã khá thành công khi có một số lượng người tham gia nhất định ở Chicago, và sau đó là ở Silicon Valley, Paul Bragiel - người sáng lập ra Meetro cho biết. Thay vì tiếp tục công việc đang trên đà tiến triển ở Windy City, Meetro chuyển sang San Francisco và nhận được kết cục hoàn toàn khác.

“Chúng tôi đã không còn duy trì được thương hiệu của mình tại địa phương”, Bragiel viết, “Các dịch vụ vẫn hoạt động và vẫn nhận được phản hồi tốt của người dùng, nhưng tốc độ phát triển không còn được nhanh như lúc bắt đầu”.

Để thành công, Meetro đáng lẽ nên giữ tầm nhìn xa cho một mục tiêu lâu dài, phát triển vững chắc ở một khu vực và duy trì nó trước khi thử nghiệm ở một khu vực khác.

7. Đừng huy động quá nhiều tiền

Điều này có vẻ lạ, nhưng nếu có quá nhiều tiền được góp vào sẽ có thể dẫn tới sự thất bại đối với các doanh nghiệp mới bắt đầu.

Đó chính là cái đã dẫn đến thất bại của Ben Yoskovitz cùng công ty mới thành lập Standout Jobs. Ngay từ những ngày đầu, Ben đã huy động được khoảng 1,8 triệu đô la.

Điều nguy hiểm là các sản phẩm này chưa được thử nghiệm một cách toàn diện. Và chính việc huy động được số vốn ban đầu quá lớn đã đưa các doanh nghiệp vào bẫy lầm tưởng về mức độ thu hút của sản phẩm của mình. Điều các doanh nghiệp cần khi đó là phải tỉnh táo để kiểm chứng chất lượng sản phẩm có phù hợp với nhu cầu thị trường hay không.

8. Tạo một sản phẩm “độc nhất vô nhị”

Thế giới kinh doanh luôn hoạt động rất sôi nổi. Các doanh nhân không thể lựa chọn cách chỉ tập trung vào một khu vực nhỏ khách hàng để né tránh sự cạnh tranh. Đồng thời, bạn cũng không nên bắt chước sản phẩm của một doanh nghiệp mới khác.

Theo lời Cap Watkin, một nhà thiết kế ở Etsy, giải thích tại một buổi nói chuyện về Formspring dựa trên kinh nghiệm của ông, khi đó, các nhân viên dành rất nhiều thời gian và chi phí để tạo nên nút “chia sẻ” giống như của Facebook và nút “tweet” của Twitter.

“Chúng tôi bỏ ra hàng tháng để thực hiện chức năng đó, nhưng kết quả nhận lại được là sự thất bại. Các doanh nhân, hãy tạo ra sản phẩm của riêng mình, không phải của người khác”, Watkin khuyên, “Sản phẩm thành công nhất chính là sản phẩm được tạo ra gắn với mục đích của người sử dụng”.

9. Xây dựng mạng lưới phân phối

Một doanh nghiệp mới có thể tạo ra được một sản phẩm được cả thế giới hưởng ứng, nhưng nếu công ty không phát triển hệ thống phân phối thì việc kinh doanh sẽ không thể tiếp diễn được lâu. Nói cách khác, hãy mở rộng thị trường trên toàn thế giới.

Công ty nhiếp ảnh Everpix ở những buổi đầu kinh doanh đã phạm phải sai lầm trên. Theo Verge: “Những người sáng lập công ty đã nhận ra sai lầm của họ. Họ dành quá nhiều thời gian nghiên cứu sản phẩm mà không phát triển công ty và mở rộng phân phối”.

10. Tìm nhà đầu tư thích hợp

Tất nhiên doanh nhân nào cũng phải tìm nhà đầu tư cho mình nếu muốn khởi nghiệp thành công, trừ khi anh ấy hoặc cô ấy đã giàu có sẵn. Nhưng phải tìm được người phù hợp. Sẽ rất tuyệt vời nếu ta được làm việc với nhà đầu tư có cùng mục tiêu và triết lý làm việc, cũng như có thể cung cấp sự hỗ trợ, lời khuyên đúng đắn trong kế hoạch xây dựng công ty vững chắc, mở rộng thị trường.

Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu nhà đầu tư kia không phù hợp với ta cả về mặt cá nhân lẫn công việc, hoặc không hiểu gì về kinh doanh?

David Levy sáng lập doanh nghiệp Tigerbow nhận được một khoản tiền đầu tư tương đối từ bạn bè và gia đình ở giai đoạn đầu. Song đây lại là những người chưa hề quen với việc đầu tư nên không ước lượng được các thách thức cho một công ty khởi nghiệp. Điều này đã khiến David Levy phải vất vả trong việc xử lý các luồng dư luận trái chiều.

THANH HÒA

Louis Vuitton là thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới, có trụ sở chính tại Pháp, do Louis Vuitton (1892) sáng lập ra. Louis Vuitton với phương châm : « Cuộc đời là những chuyến đi, thế giới bị chia cách bởi địa lý sẽ ngày càng phẳng hơn do nhu cầu giao lưu kinh tế văn hóa của con người », nên ông đã sáng tạo ra thương hiệu LV thích hợp với xu thế đó. Đối với Louis Vuitton không có gì là nhiệm vụ bất khả thi, và biến cái xa xỉ thành cái không chỉ của riêng ai mà vẫn giữ được tính khác biệt của nó.

Louis Vuitton, nhãn hiệu nổi tiếng với chữ viết lồng LV, xuất hiện trên hầu hết các sản phẩm, từ hàng da, giày dép, đồng hồ, đồ trang sức, phụ kiện, kính mát, và sách… Louis Vuitton bán sản phẩm của mình thông qua chuỗi cửa hàng độc lập, cửa hàng cao cấp và thông qua mục thương mại điện tử trên trang web của họ.




Từ mở đầu đến Thế chiến II

Nhãn hiệu Louis Vuitton được thành lập bởi Vuitton năm 1854 trên đường Rue Neuve des Capucines, Paris. Năm 1858, Vuitton đã thiết kế chiếc rương nắp phẳng, làm cho chúng nhẹ và kín, không bị cồng kềnh, cho phép để ngăn xếp một cách dễ dàng, tiện lợi cho việc di chuyển. Đồng thời, Louis Vuitton đã ra một quyết định quang trọng, không dùng da để bọc cho những thiết kế của mình, mà thay bằng vải bạt – một loại chất liệu bền hơn và chịu nước tốt hơn.

Năm 1892, Louis Vuitton qua đời, quyền quản lý công ty truyền cho con trai ông là Georges Vuitton. Georges bắt đầu chiến dịch xây dựng công ty thành một tập đoàn trên toàn thế giới. Năm 1896, công ty đăng ký bản quyền lồng ghép hai chữ cái L.V màu nâu vàng vào nhau. Chất liệu sần màu Cafe và nâu đất được ứng dụng vào sản phẩm như vali, thùng gỗ… được Goerges chính thức đăng ký.Geogres Vuitton cũng vẽ một vòng tròn quanh bông hoa bốn cánh, rồi lại một hình thoi với hai mặt lồi có hình sao bốn cánh. Các mẫu lần lượt xuất hiện cùng với chữ LV, bày tỏ lòng tôn kính với người cha của ông. Đồng thời, từ ý tưởng thiên tài này, đa phần các nhãn hiệu chính đều sử dụng logo như một hình ảnh trang trí nhận dạng trên sản phẩm nhằm bảo vệ thương hiệu của mình và khó nhầm lẫn với sản phẩm cùng loại của các hãng khác.



Từ 1945 đến 2000

Thế hệ thứ 3 nhà Louis Vuitton là Gaston Louis Vuitton kết hợp da vào hầu hết các sản phẩm của mình, từ ví tới túi đựng hành lý. Ông ngày đêm tìm cách in logo của gia đình lên túi mềm, dòng túi mà ông hiểu rất rõ, sẽ rất thời thượng trong xã hội hiện đại.

Hậu duệ của Gaston, Claude- Louis Vuitton phát triển lớp phủ mềm cho linen và cotton, cho ra đời những túi mềm, nhẹ, dễ sử dụng và rất đa năng. Bên cạnh đó, những chiếc vali truyền thống của nhà LV giờ đây lại trở thành món đồ được các nhà sưu tầm ưa thích và săn lùng.



Đại diện thế hệ thứ năm của gia đình, Patrick-Louis Vuitton hợp tác chặt chẽ với các xưởng sản xuất phục vụ hơn 200 đơn đặt hàng mỗi năm. Ông nắm trong tay toàn bộ bí quyết làm vali và vận hành công việc thương mại từ khi còn rất trẻ. Patrick-Louis chủ động tham gia quá trình thiết kế kiểu mẫu mới cho mặt hàng da. Đặc biệt, năm 1997, sự ra nhập của Marc Jacobs trong vai trò Giám đốc nghệ thuật đã mở thêm nhánh thời trang cho đại gia đình nhà Vuitton: những bộ sưu tập đồ may sẵn, giày dép và trang sức đã ra đời. Jacobs cũng đã đóng góp vào quá trình phát triển các dòng sản phẩm da. Những bước tiến này đã thay đổi sâu sắc hình tượng và thiết kế các gian hàng Vuitton cũng như chiến lược truyền thông của hãng.

Từ 2001 tới nay

Vào năm 2001, Stephen Sprouse, hợp tác với Marc Jacobs, thiết kế dòng túi xách là sản phẩm chỉ được bán cho những khách hàng VIP của Louis Vuitton. Jacobs cũng tạo ra những chiếc vòng tay quyến rũ, sản phẩm đồ trang sức đầu tiên từ LV, trong cùng năm.

Năm 2002, bộ sưu tập đồng hồ Tambour đã được giới thiệu. Năm 2003, Takashi Murakami hợp tác với Marc Jacobs, tung ra bộ sưu tập túi xách và phụ kiện đa màu sắc. Bộ sưu tập này bao gồm các chữ lồng trên vải, với 33 màu sắc khác nhau hoặc là một màu trắng hoặc đen. Murakami cũng thiết kế họa tiết Cherry Blossom, với khuôn mặt cười hoạt hình ở giữa hoa hồng và hoa vàng. Họa tiết này xuất hiện trên một số ít sản phẩm.

Năm 2004, kỷ niệm 150 năm ngày thành lập, Louis Vuitton cũng khai trương cửa hàng ở thành phố New York, Sao Paulo, Mexico, Cancun và Johannesburg. Đến năm 2005, Louis Vuitton mở cửa trở lại cửa hàng trên đại lộ Champs-Élysées ở Paris và phát hành bộ sưu tập đồng hồ Speedy. Năm 2010, Louis Vuitton mở ra cửa hàng sang trọng nhất ở London.




Bí quyết thành công của Thương hiệu

Bí quyết đem lại thành công cho Louis Vuitton là sự thống nhất. Hãng này trực tiếp thực hiện tất cả mọi khâu trong quy trình sản xuất - kinh doanh, từ thiết kế cho đến phân phối. Ngoài ra, một cách để Louis Vuitton có được sự yêu mến từ người tiêu dùng đó là marketing đại chúng, bằng cách thông qua chứng nhận của các ngôi sao và chương trình tài trợ cho các sự kiện thể thao và không bao giờ hạ giá sản phẩm.

Louis Vuitton thành công cũng nhờ tính ổn định của giá trị thương hiệu. Nó kiên định là biểu tượng cho đẳng cấp và xa xỉ kể từ khi ra đời, không chạy theo số đông mà chỉ hướng vào diện khách hàng lắm tiền nhiều của hay muốn phô trương sự giàu sang của mình, muốn dùng thương hiệu sang trọng để tự tin hơn hoặc tìm kiếm sự công nhận.

Nhật Nam (tổng hợp)



Tỉ phú, những thiên tài kinh tế trên thế giới thường nghĩ gì, làm gì để sở hữu trong tay một cơ đồ kết xù. Phải chăng, đó là sự đánh đổi máu, mồ hôi lẫn nước mắt?



Vì sao cũng với những “nguyên liệu” từ cuộc sống tương tự như mỗi người chúng ta nhưng những tỉ phú đã biết cách xử lý, tận dụng để biến nó thành công cụ kiếm tiền.

Âm thanh đồng tiền nằm ở đâu?

Nhìn chung, công thức thành công của những tỉ phú đều xoay quanh việc “biết suy nghĩ” và bắt tay biến giấc mơ thành hiện thực. Suy nghĩ tích cực, đột phá, nhìn xa và tập trung tối đa, kiên trì hoàn thành những gì đã vạch ra đều là kim chỉ nam của các tỉ phú. Và dĩ nhiên, cũng cần có cả may mắn để có thành công rực rỡ.

Tạp chí Forbes từng in đậm dòng tít, đánh thẳng vào tâm lý người đọc: “Muốn biết âm thanh đồng tiền, đến sàn giao dịch phố Walls. Muốn làm giàu, hãy nghĩ như tỉ phú”.

Nhiều người từng chất vấn, làm thế nào để sống như một tỉ phú khi hoàn toàn trắng tay, không sở hữu bất kì giá trị vật chất nào. Và luôn có chung câu trả lời: “Chúng tôi cũng muốn đọc sách đấy, cũng muốn mở rộng mối quan hệ. Nhưng hơn hết, tôi không đủ thời gian để làm điều đó, tôi cần phải mưu sinh và đảm bảo cuộc sống hằng ngày.”

Theo cuộc nghiên cứu của Eric Schiffer, chuyên gia tham vấn danh sách 500 CEO của Fortune, top 400 tỷ phú thế giới của Forbes cho biết, khi bắt đầu vào việc, phần lớn chúng ta háo hức và có nhiều động lực để thực hiện, nhưng khi lâm trận, bản thân khó lòng vượt qua những cám dỗ hay các tiêu cực trong cuộc sống bởi những thói quen xấu hằng ngày: như lười biếng, nhát việc, chán nản khi gặp sự cố…

Thay đổi cả cuộc đời chỉ bằng suy nghĩ

Nhiều cuộc nghiên cứu khoa học trên thế giới được trích đăng trên thời báo New York và các tạp chí kinh tế như Business Insider cũng cho rằng, cách hay nhất và dễ dàng nhất để đạt được một cuộc sống thành công, chính là tập thói quen tốt và tránh xa các thói quen xấu khi còn rất trẻ.

Thói quen quan trọng nhất có lẽ là suy nghĩ tích cực, theo như kết luận nghiên cứu mang tên “Luật hấp dẫn” của bà Rhonda Byrne cùng nhóm đồng sự. Công trình của bà bắt đầu bằng câu “Để tôi kể bạn nghe, những câu chuyện khá điên rồ về việc thay đổi cả cuộc đời chỉ bằng suy nghĩ”.

Nói một cách đơn giản, theo Luật Hấp Dẫn, chúng ta sẽ hấp dẫn tất cả những gì chúng ta tập trung nghĩ về nó. Và bất cứ việc gì dành công sức vào đều quay trở lại với chúng ta.

Vì thế, nếu tập trung vào những điều tốt đẹp và tích cực, tự nhiên chúng ta sẽ thu hút được thêm thật nhiều những điều tốt đẹp và tích cực vào cuộc sống. Một khi suy nghĩ tích cực, não bộ khỏe mạnh sẽ giúp tăng cao khả năng tập trung giải quyết công việc. Còn nếu chỉ quan tâm đến những điều thiếu thốn và tiêu cực, nó sẽ là những thứ được “hút” vào cuộc sống của chính chúng ta.

Suy nghĩ tích cực và học cách cư xử càng mềm mỏng càng tốt trước vấn đề khó khăn là điều cần thiết. Bởi cách nhìn, thái độ xử lý vấn đề là điều kiện tiên quyết, nhân tố quan trọng trong phần lớn phẩm chất của những người thành công, giàu có trên thế giới.

Khi phỏng vấn các tỉ phú trên thế giới, Forbes đã tiết lộ rằng hầu hết các tỉ phú đều có thói quen nghị lực và khả năng tập trung cao độ để giải quyết vấn đề.

Với Mark Zuckerberg và Warren Buffett, để giữ sức tập trung của trí não, trước hết phải giữ sức khỏe thật tốt. Với Giám đốc điều hành Howard Schultz của Starbucks, đó là dùng nghị lực để điều chỉnh cảm xúc và tổ chức kỷ luật để có tinh thần hăng hái trong cung cách phục vụ khách hàng với mỗi ly café 4 USD.

Tuy nhiên, hàng loạt các công trình nghiên cứu khác về triệu phú với mục tiêu tìm kiếm những kỹ năng cần có để gặt hái thành công ở các tuần báo kinh tế hay các nghiên cứu chuyên lập của các nhà kinh tế học cũng chỉ ra một luận điểm khá thú vị.

Suy nghĩ tích cực, tập trung cao độ chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải biết suy nghĩ đột phá, nhìn xa, nghĩ lớn. Với những điều rất bình thường nhưng nếu biết cách “nâng tầm”, bạn hoàn toàn có thể trở thành triệu phú, tỉ phú.

Đó là trong “bãi tha ma” của những người thất bại, có cả những người có các đặc điểm rất tích cực như: can đảm, dám chấp nhận rủi ro, lạc quan… những phẩm chất thường thấy ở nhóm các nhà tỷ phú. Chỉ điều khác biệt ở kỹ năng, chọn đúng thời điểm và tác nhân may mắn.

Trở nên tỉ phú từ...phân chó

Matthew Osborn và Matt Red Boswell đã trở thành triệu phú nhờ dịch vụ hốt “phân chó”. Hay Regis và Kelly cũng giàu có nhờ sản xuất những sản phẩm dành cho thú cưng như mắt kính, áo…

Truyền thống hơn, Fraser Doherty, bỏ học năm 16 tuổi để làm giàu nhờ website bán mứt theo công thức gia truyền. Hiện nay tài sản của Doherty vào khoảng 2 triệu USD. Tương tự, người sáng lập trang Excused Absence Network chỉ khởi nghiệp với 300 USD và một laptop tại thị trấn nhỏ ở Oklahoma nhưng đã trở nên giàu có nhờ dịch vụ viết thư cáo bệnh.

Còn Ken Ahroni thu nhập mỗi năm 2,5 triệu USD nhờ sản xuất xương may mắn bằng plastic để gắn vào gà tây. Theo phong tục, ai tìm thấy xương may mắn trong gà tây sẽ rất hên nhưng thực tế, mỗi con gà Tây chỉ có một xương may mắn. Đánh vào tâm lý này, Ahroni đã sản xuất ra xương bằng plastic để ai cũng có thể tìm thấy “may mắn” của mình mỗi khi ăn gà Tây.

Keith Ferrazzi, CEO công ty Ferrazzi Greenlight - chuyên tư vấn cho những công ty hàng đầu thế giới về cách đẩy mạnh phát triển mối quan hệ trong kinh doanh - cho biết: “Thói quen tạo ra mạng lưới cộng đồng là điều tiên quyết đem đến thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.”

Và quan trọng nhất, khi đã có suy nghĩ đúng đắn, điều tiếp theo là phải biến giấc mơ đó thành hiện thực bằng một đam mê cháy bóng. Tỉ phú Micky Jagtiani chia sẻ: “Hãy tràn đầy đam mê bước vào lĩnh vực bạn quan tâm bởi chỉ khi đó, bạn mới làm được hết công suất. Đam mê và lao động cật lực là chìa khóa thành công”.

Trong khi đó, MA Yusuffali chọn cách tin tưởng vào đội ngũ của mình: “Tôi tin vào việc phân bổ quyền lực cho những người của mình. Phương châm là mỗi nhân viên đều là ông chủ của công ty”. Yusuffali chia sẻ giấc mơ của mình và thuyết phục những người khác tin vào nó để cùng ông hiện thực hóa.

Mark Zuckerberg cũng đi theo chính sách tương tự khi dành hơn 25% thời gian làm việc để chọn ra những người tin cậy, đưa vào các vị trí quan trọng. Và một trong những người làm công cho Zuckerberg cũng đã trở thành tỉ phú.

Hãy nhìn vào công ty Intellectual Ventures của Nathan Myhrvold với sản phẩm là những ý tưởng sáng tạo. Giám đốc điều hành Myhrvold, từng là lãnh đạo bộ phận nghiên cứu của Microsoft, đã tập hợp những tài năng từ các lĩnh vực khác nhau như điện tử, thần kinh học, hoá học… để tiếp thu toàn bộ ý kiến trong các lĩnh vực nhằm tạo ra những sản phẩm đầy sức sáng tạo, thay đổi cả thế giới.

TRÙNG DƯƠNG - CHU YÊN

Hãy biến mình thành một cuốn từ điển sống về cà phê, tìm một nhân viên rang thật giỏi và chọn địa điểm mở hàng bằng cách đếm số xe và người đi qua nơi đó trong một khoảng thời gian nhất định.

Nếu muốn kinh doanh quán cà phê, bạn hãy cân nhắc những điều sau: Bạn đã có kế hoạch kinh doanh tốt hay chưa? Bạn đã có 150.000 USD chi phí xây dựng và 50.000 USD nữa để trả lương nhân viên hoặc các chi phí khác hay chưa? Nếu đã có đủ, hãy tiếp tục làm theo những lời khuyên sau đây của Fox.

1. Bản thân phải am hiểu cà phê

Để mở quán, trước hết, bạn cần phải là người hiểu biết về cà phê. Ảnh: Reuters

Đầu tiên, hãy tự rèn luyện bản thân mình với các công việc pha cà phê, trà hoặc bất kỳ đồ uống nào quán bạn có. Hãy hiểu biết những gì bạn đang bán, học hỏi tất cả về cà phê, từ đặc tính của cây, các giống cà phê, tên các trang trại, kiểu cốc và cách pha thường dùng. Sau đó, hãy chia sẻ kiến thức và niềm đam mê của mình với nhân viên. Vì nếu họ không có đam mê như bạn, họ sẽ không thể dốc hết sức làm việc.

2. Chọn nhân viên rang cà phê thật tốt

Nhiệm vụ của họ không chỉ là chuyên môn, mà còn phải sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn qua điện thoại, email hoặc mạng xã hội bất cứ lúc nào trong ngày. Nếu tìm được một nhân viên như vậy, hãy nuôi dưỡng mối quan hệ này thật tốt và trả lương xứng đáng cho họ.

3. Xem xét địa điểm mở quán cẩn thận

Bạn cần phải dò xét thật kỹ căn nhà muốn mua hoặc thuê để mở quán. Hãy tìm một chỗ đỗ xe quanh đó, đếm lượng xe cộ hoặc người đi ngang qua mỗi giờ. Bạn nên thực hiện vào nhiều thời điểm như 2h sáng, 8h tối hoặc 6h30 sáng trong nhiều ngày để tính lượng khách hàng tiềm năng. Hãy tự hỏi liệu những người lái xe có muốn dừng lại mua một cốc trước khi đi làm hay không? Liệu có biển báo dừng hay cột đèn giao thông gần chỗ bạn? Quanh khu vực của bạn có nhiều học sinh hay không? Hoặc nơi này liệu có đủ chỗ đỗ xe?

Bên cạnh đó, hãy nghiên cứu các hàng quán xung quanh nữa. Nếu gần đó từng có quán cà phê phải đóng cửa, bạn cũng nên nghiên cứu lý do họ thất bại.

4. Lên danh sách những người trợ giúp

Đầu tiên, bạn cần một luật sư giàu kinh nghiệm bất động sản để tư vấn các hợp đồng mua hoặc thuê mặt bằng. Tiếp đó, hãy tìm một kế toán để quản lý việc tài chính và một chuyên viên bảo hiểm luôn sẵn sàng trợ giúp mỗi khi bạn có chuyện. Có những người này bên cạnh, bạn có thể yên tâm ngủ ngon hơn mỗi tối.

5. Định giá hợp lý

Giá cả là một việc rất phức tạp. Hãy tính toán bạn phải bán bao nhiêu cốc cà phê mỗi ngày mới hòa vốn, và bao nhiêu thì bạn mới có lãi? Chi phí thay thế sản phẩm là bao nhiêu? Chi phí giao hàng là bao nhiêu? Có một chân lý định giá thế này: Nếu tất cả mọi người đều phàn nàn về giá cả, tức là nó quá cao. Nếu chẳng ai phàn nàn, tức là quả thấp. Còn khi chỉ có vài người kêu ca, tức là bạn đã định giá hoàn hảo.

Nhưng hãy nhớ, định giá là quá trình liên tục, chứ không chỉ xảy ra một lần. Nếu chi phí đầu vào tăng, doanh thu cũng phải tăng theo. Hãy thử tăng giá nhẹ trong vài tháng và quan sát xem khách hàng có nhận ra hay không. Nếu sản phẩm và dịch vụ của bạn quá xuất sắc, họ sẽ chẳng quan tâm bạn vừa nâng giá đâu. Nếu yêu quý bạn, họ sẽ muốn giúp bạn thành công.

Một cách định giá khác bạn nên nhớ là theo nhận thức của khách hàng. Nếu bán loại cà phê Kona (Hawaii) đắt đỏ có giá gần 100 USD mỗi kg, bạn sẽ phải cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng công nhận giá trị của chúng. Đó là ảnh nông dân trong trang trại đang hái cà phê, thông tin bạn trích lợi nhuận để làm từ thiện, kênh giao tiếp với khách hàng thông qua mạng xã hội và email quảng cáo về loại cà phê này. Nếu đã có tất cả, bạn có thể yên tâm bán chúng với giá gần 100 USD mỗi kg.

6. Thuê các nhân viên có nhiệt huyết

Đừng thuê những người chỉ biết bán hàng, hãy tìm các nhân viên luôn mỉm cười và thực sự đam mê sản phẩm, dịch vụ của bạn. Khi mở cửa hàng, hãy làm mẫu để họ noi theo. Hãy chăm sóc nhân viên thật tốt, trả lương xứng đáng và tìm những người luôn lạc quan với ước mơ lớn.

7. Nắm rõ thông tin đối thủ

Ngày nay, có rất nhiều người cũng mở quán cà phê. Hãy nghĩ đến chiến lược Đại dương xanh và tìm cách làm khác mình so với đối thủ. Hãy nghiên cứu các quán khác trong phạm vi vài chục km và để ý đến các quán mới mở. Hàng ngày, hãy tự hỏi mình “Còn ai đang kinh doanh loại này nữa nhỉ?”. Nếu câu trả lời là “Không”, bạn đã đi đúng hướng.

8. Luôn thể hiện sự vui vẻ, lạc quan

Có một câu nói nổi tiếng rằng: “Bạn có thể thay đổi cả thế giới bằng một nụ cười”. Nếu luôn tỏ ra vui vẻ vì bạn yêu quán, sản phẩm, khách hàng, bạn sẽ bán được nhiều hơn. Khách hàng luôn muốn mua đồ từ những người vui vẻ.

9. Lập sẵn kế hoạch rút lui

Bạn cũng nên lập sẵn kế hoạch rút lui ngay khi lên kế hoạch mở cửa. Vì có thể, sau vài ba năm, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi vì phải làm việc vất vả. Hãy tìm những nhân viên giỏi nhất, lên kế hoạch tài chính cho trường hợp tốt nhất và xấu nhất, đồng thời giao dần công việc hàng ngày cho nhân viên. Khi có thể dành nhiều thời gian cho gia đình và bạn bè, bạn có thể coi mình là một doanh nhân thành đạt.

Hà Thu

Năm 1989, Christian Gheorghe di cư từ Romania sang Mỹ chỉ với 26 USD trong túi, không thạo tiếng Anh, ở trong nhà trọ cho người trẻ và lái xe để kiếm sống.

Nhưng hiện tại, anh đã là nhà sáng lập của 4 doanh nghiệp rất thành công. Tất cả đều được bán với giá cao. Trong đó, OutlookSoft được đại gia phần mềm SAP mua lại năm 2007 với giá 500 triệu USD. Câu chuyện của chính là ví dụ vượt khó điển hình trong các bộ phim Disney.

Khi còn ở Romania, Gheorghe kiếm sống bằng nghề bán băng đĩa nhạc và học được một ít tiếng Anh qua các bài hát. Khi tiết kiệm đủ, anh mua cho mình một chiếc máy tính Commodore 64 có giá bằng lương cả năm. "Lúc ấy, mọi người đều hỏi tôi: Cậu điên đấy à?", Gheorghe cho biết trênBusiness Insider.

Christian Gheorghe đã sang Mỹ chỉ với 26 USD trong túi. Ảnh: NDTV

Sau đó, anh tự học lập trình bằng cách xâm nhập các trò chơi có trong máy. Về sau, Gheorghe cũng theo một khóa bài bản và lấy bằng thạc sĩ tại Romania. Tuy nhiên, bằng này lại không được chấp nhận khi anh sang Mỹ.

Để kiếm sống, Gheorghe phải làm lái xe. Đây chính là lúc anh gặp Andrew Saxe – người giúp anh phát triển sự nghiệp tại Mỹ. Trên chuyến đi, Saxe biết được đam mê của Gheorghe với máy tính và đề nghị anh đến văn phòng mình làm việc.

Saxe có một công ty tư vấn phần mềm. Anh đã cùng Gheorghe xây dựng một doanh nghiệp về dữ liệu, sau đó bán cho đại gia dịch vụ thông tin - Experian. Gheorghe cũng đến đây làm giám đốc công nghệ trong vài năm.

Sau đó, anh gây dựng công ty thứ 2 có tên TIAN, về sau sáp nhập với OutlookSoft. Công ty này chuyên phân tích dữ liệu doanh nghiệp và dự đoán xu hướng trong ngành thông qua các giao dịch tài chính.

Thời điểm đó, các công ty hoạt động trong mảng này được những hãng lớn rất ưa chuộng. Đại gia phần mềm Oracle mua Hyperion, IBM mua Cognos, còn SAP mua OutlookSoft. Sau đó, Gheorghe lại về làm việc cho SAP thêm vài năm.

4 năm trước, đam mê khởi nghiệp trong anh lại trỗi dậy và Tidemark ra đời. Anh vẫn tập trung vào phần mềm phân tích doanh nghiệp, nhưng được hiện đại hóa để chạy trên máy tính bảng và sử dụng công nghệ điện toán đám mây.

Quan trọng hơn, nó được thiết kế gần giống giao diện Siri – phần mềm nhận diện giọng nói của Apple. Điều này có nghĩa người dùng không cần quá nhiều kiến thức kỹ thuật để tạo ra các báo cáo đã được lập trình sẵn. Bạn chỉ cần hỏi Tidemark bất kỳ câu hỏi nào về doanh nghiệp mình. Như tại sao mặt hàng này không bán chạy? Nếu tôi đưa thêm 3 người nữa vào dự án thì sao? Doanh thu quý tới của tôi sẽ là bao nhiêu? Tidemark sau đó sẽ trả lời bằng biểu đồ, thậm chí còn đưa ra tên người nào trong công ty có thể làm tốt.

Tính năng này thực sự rất thu hút người dùng. Chỉ 18 tháng sau khi ra mắt, công ty của anh đã đạt doanh thu 45 triệu USD, tương đương tăng trưởng 300% mỗi năm. Mới đây, Tidemark cũng huy động được 80 triệu USD từ một số quỹ đầu tư như Greylock Partners, Redpoint Ventures hay Silicon Valley Bank.

Hà Thu


Đối với những người nước ngoài đến Việt Nam, nước ta, theo cách riêng của mình, có rất nhiều thứ gây ấn tượng khó quên cho họ. Khi họ vừa đến và ra khỏi sân bay, cái đầu tiên chắc chắn là nền giao thông xe máy độc nhất vô nhị, hiếm thấy ngay cả ở các nước còn nghèo và kém phát triển hơn.

Nhưng bài viết này không nói về giao thông xe máy mà về cái thứ hai, cái đập ngay vào mắt các ngoại khách. Đó là mạng nhện dây điện vắt dọc ngang đường phố. Đến người giàu nhất hành tinh, tỷ phú Bill Gates mà còn không thoát được sự cám dỗ của chúng. Trên trang cá nhân, Bill Gates đã dùng một tấm ảnh mạng nhện dây điện Việt Nam để nói về mức độ nan giải của các vấn đề năng lượng: Bạn không hình dung được chúng rối ren và nan giải đến mức nào ư, thì hãy ngắm bức ảnh mạng nhện dây điện Việt Nam và tự cảm nhận đi!

Mạng nhện dây điện với các búi nhỏ bằng bắp chân và các búi to bằng thân người cũng là nơi đào tạo những người thợ tay nghề cao. Trong đám dây bùng nhùng đó, họ có thể tìm ra dây nào bị đứt và đứt chỗ nào rất nhanh. Trong tương lai, khi công nghiệp sản xuất máy bay, tàu thủy ở nước ta phát triển, họ chính là nguồn thợ điện tay nghề cao cho các lĩnh vực công nghệ cao.

Nói vậy thôi chứ thực ra những cái mất từ các mạng nhện dây điện nhiều hơn cái được, cho nên nhiều nước đã ngầm hóa hầu hết loại dây trong thành phố. Chúng làm xấu đô thị, làm tức mắt người dân và để ngoại khách coi thường năng lực quản lý, phát triển đô thị. Mạng nhện dây điện, không có mã bưu điện, số nhà nhiều nơi đánh tùm lum, rác rưởi, bụi bặm, ruồi muỗi, sự rối loạn giao thông, trộm cướp... Đó là thực tế chất lượng quản lý, phát triển của nhiều đô thị nước ta.

Mưa, bão đã không ít lần làm đổ cây, đứt cáp điện, cáp viễn thông, có những lần điện giật gây chết người đi đường. Có người đang đi xe máy thì bị dây điện quấn ngang cổ gây tai nạn. Những sự cẩu thả với dây diện ngoài trời và trong nhà còn làm phát sinh một số vụ hỏa hoạn, gây thiệt hại lớn về người và của...

Tại sao vẫn còn tồn tại mạng nhện dây điện ở nước ta, trong khi ở nhiều nước đã ngầm hoá gần hết? Ngầm hóa thì tốn; chăng mạng nhện như lâu nay thì dễ, nhanh và đỡ tốn. Điều đó ai cũng hiểu. Nhưng trên đời, có cái gì dễ, nhanh, đỡ tốn mà lại tử tế không? Không có gì có thể tử tế bằng cách nghĩ và làm kiểu ăn xổi ở thì, qua loa xong chuyện. Mọi thứ tử tế cần được đầu tư chất xám, công sức, tiền bạc. Có lẽ, để có một chất lượng cuộc sống đô thị tốt hơn, người dân sẵn sàng trả tiền để chính quyền thực hiện các chương trình nâng cấp đô thị.

Đối với việc ngầm hóa dây điện, cáp viễn thông, người phải trả tiền cho đô thị làm việc đó là các công ty điện lực và viễn thông. Các công trình hạ tầng ngầm do các đô thị đầu tư thì các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng phải trả tiền thuê. Giá dịch vụ mà người dân phải trả có thể cao hơn để bù đắp cho họ, ngược lại, người dân được hưởng một môi trường đô thị văn minh, hiện đại, an toàn hơn. Việc của các nhà quản lý đô thị là nghĩ ra cách làm, cách đóng góp và chia sẻ lợi ích hợp lý.

Còn nếu các nhà quản lý đô thị không làm, mạng nhện dây diện sẽ tồn tại mãi mãi ở các đô thị Việt Nam. Chẳng qua, chúng là bản sao của mạng nhện trong đầu các nhà quản lý đô thị mà thôi.

Lương Hoài Nam

Tinh thần làm việc tập thể, những bài học đạo đức và hành động luôn đi kèm mục tiêu là những giá trị tối cơ bản của nền giáo dục xứ sở hoa anh đào.

Lucy Crehan là một nhà giáo, nhà nghiên cứu về giáo dục rất tận tâm với những đề tài của mình. Cô đã gặp gỡ nhiều bậc giáo viên, phụ huynh để có thể đưa ra được những góc nhìn mới lạ và chính xác về nền giáo dục của Nhật Bản.

Cộng đồng hóa giáo dục từ bậc tiểu học

Ngay từ bậc tiểu học, hầu hết thời gian học sinh được học tập và làm việc theo nhóm. Ảnh: Factrange.

Điều làm Susan, một giáo viên, cảm thấy bất ngờ ngay ngày đầu tiên đi dạy là cách ứng xử của các học sinh tiểu học. Theo Susan, "học sinh được phép đứng lên, tự do đi lại xung quanh lớp ngay cả khi tiết học đang diễn ra và hầu như có thể làm mọi việc, trừ những việc gây nguy hiểm."

Hành động này được xem là "hư" và hoàn toàn trái với những suy nghĩ cũng như khuôn mẫu trước đây về học sinh Nhật Bản biết nghe lời và có tinh thần học tập cao. Tuy nhiên, những bất ngờ đó đều nằm trong chuỗi chính sách có chủ đích của chính phủ Nhật Bản áp dụng cho học sinh tiểu học.

Thay vì dành những năm tháng đầu tiên của bậc tiểu học rèn giũa học sinh về tầm quan trọng của việc làm theo đúng chỉ dẫn của giáo viên, người Nhật cho rằng đây là quãng thời gian để các em tự nhận ra những gì phù hợp và yêu thích. Bên cạnh đó, việc hướng các em vào hoạt động nhóm cũng luôn được ưu tiên.

Hầu hết hoạt động của học sinh tiểu học đều được tổ chức theo các nhóm nhỏ, vì thế, học tập dường như trở thành hoạt động tự nhiên mang tính xã hội. Nếu một học sinh rời ghế của mình và không tham gia vào các hoạt động, giáo viên sẽ nhẹ nhàng nhắc nhở như: "Đội Vàng vẫn chưa sẵn sàng!". Điều này sẽ khiến các học sinh khác trong đội quan tâm và yêu cầu người bạn trở nên tích cực hơn vì lợi ích của nhóm.

Cách giáo dục này khiến trẻ em ý thức rằng chúng là thành phần cần thiết của nhóm và tự hào khi đạt được thành tựu dưới tư cách nhóm. Những cảm xúc và niềm tin này rất quan trọng trong xã hội Nhật Bản, nó sẽ theo mỗi cá nhân suốt cuộc đời.

Giáo dục đạo đức

Cạnh các tiết học về chuyên môn, những giá trị nhân văn cũng được giáo viên Nhật Bản chú trọng giảng dạy thông qua các tiết học đạo đức. Các tiết học này thường được tổ chức một lần một tuần và trong suốt quãng đời học sinh với tiêu chí chung là: "Phát triển một tầng lớp cư dân Nhật Bản, những người sẽ không bao giờ mất đi tinh thần nhất quán tôn trọng mọi người xung quanh, luôn mang theo tư tưởng đó ở nhà, tại trường học hay bất cứ hoàn cảnh nào trong xã hội mà anh ta là thành viên; phấn đấu cho sự sáng tạo của một nền văn hóa giàu cá tính và cho sự phát triển của một quốc gia dân chủ; tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình".

Những bài học như thế này chủ yếu phụ thuộc vào giáo viên giảng dạy, không có một quy chuẩn cụ thể. Đa phần, học sinh sẽ được nghe kể về một câu chuyện hay một tình huống nào đó. Tiếp theo, các em sẽ thảo luận theo nhóm và cuối cùng là chia sẻ những suy nghĩ, ý kiến mình sẽ làm gì và tại sao, trong từng tình huống trước cả lớp.

Dù cách giảng dạy phụ thuộc vào từng giáo viên nhưng nội dung và mục tiêu của các bài học thì hoàn toàn được quy định bởi bộ Giáo dục.

Những hoạt động hướng mục tiêu

Học sinh Nhật Bản thường ở lại lớp dọn vệ sinh sau giờ học. Ảnh: Inside Classrooms.

Hầu hết các trường ở Nhật đều có những hoạt động thể thao hay lễ hội thường niên với mục tiêu "xây dựng tình đoàn kết, khuyến khích cá nhân nỗ lực hết mình, tận tâm và kiên trì". Ngoài ra, các cuộc dã ngoại cũng thường xuyên được tổ chức nhằm "mở rộng hiểu biết của học sinh về thiên nhiên và thế giới xung quanh theo một cách thú vị mà đáng nhớ, đồng thời rèn luyện học sinh có những hành vi phù hợp nơi công cộng".

Những hoạt động hàng tuần, hàng ngày cũng đều có mục tiêu đi kèm và thường được thảo luận bởi chính học sinh. Thêm vào đó, có hẳn một nét văn hóa trong việc kiểm tra xem mục tiêu có đạt được không sau khi mỗi hoạt động kết thúc. Ví dụ như tất cả học sinh dành 20 phút cuối ngày để dọn vệ sinh trường học cùng nhau. Khi kết thúc hoạt động, các nhóm sẽ tập hợp và đồng thanh hô to khẩu hiệu như: "Chúng ta có hợp tác tốt không?", "Chúng ta có tận dụng tối đa thời gian không?"...

Việc đánh giá giá trị một phương pháp giáo dục là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, một điểm mà toàn Thế giới phải công nhận là nền giáo dục của Nhật Bản đã đào tạo ra một thế hệ những con người chăm chỉ, tận tâm với công việc và ý thức kỷ luật rất cao.

Vũ Hoàng (theo Inside Classrooms)




Giờ học văn bắt đầu. Hôm nay thầy giảng bài Chuyện Cô bé Lọ Lem.

Trước tiên thầy gọi một học sinh lên kể chuyện Cô bé Lọ lem. Em học sinh kể xong, thầy cảm ơn rồi bắt đầu hỏi.

Thầy: Các em thích và không thích nhân vật nào trong câu chuyện vừa rồi?

Học sinh (HS): Em thích Cô bé Lọ Lem Cinderella ạ, và cả Hoàng tử nữa nhưng không thích bà mẹ kế và chị con riêng bà ấy. Cinderella tốt bụng, đáng yêu, lại xinh đẹp. Bà mẹ kế và cô chị kia đối xử tồi với Cinderella.

Thầy: Nếu vào đúng 12 giờ đêm mà Cinderella chưa kịp nhảy lên cỗ xe quả bí thì sẽ xảy ra chuyện gì?

HS: Thì Cinderella sẽ trở lại có hình dạng lọ lem bẩn thỉu như ban đầu, lại mặc bộ quần áo cũ rách rưới tồi tàn. Eo ôi, trông kinh lắm.

Thầy: Bởi vậy, các em nhất thiết phải là những người đúng giờ, nếu không thì sẽ tự gây rắc rối cho mình. Ngoài ra, các em tự nhìn lại mình mà xem, em nào cũng mặc quần áo đẹp cả. Hãy nhớ rằng chớ bao giờ ăn mặc luộm thuộm mà xuất hiện trước mặt người khác. Các em gái nghe đây: các em lại càng phải chú ý chuyện này hơn. Sau này khi lớn lên, mỗi lần hẹn gặp bạn trai mà em lại mặc luộm thuộm thì người ta có thể ngất lịm đấy (Thầy làm bộ ngất lịm, cả lớp cười ồ). Bây giờ thầy hỏi một câu khác. Nếu em là bà mẹ kế kia thì em có tìm cách ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử hay không? Các em phải trả lời hoàn toàn thật lòng đấy.

HS: (im lặng, lát sau có em giơ tay xin nói) Nếu là bà mẹ kế ấy, em cũng sẽ ngăn cản Cinderella đi dự vũ hội.

Thầy: Vì sao thế?

HS: Vì... vì em yêu con gái mình hơn, em muốn con mình trở thành hoàng hậu.

Thầy: Đúng. Vì thế chúng ta thường cho rằng các bà mẹ kế dường như đều chẳng phải là người tốt. Thật ra họ chỉ không tốt với người khác thôi, chứ lại rất tốt với con mình. Các em hiểu chưa? Họ không phải là người xấu đâu, chỉ có điều họ chưa thể yêu con người khác như con mình mà thôi.

Bây giờ thầy hỏi một câu khác: Bà mẹ kế không cho Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử, thậm chí khóa cửa nhốt cô bé trong nhà. Thế tại sao Cinderella vẫn có thể đi được và lại trở thành cô gái xinh đẹp nhất trong vũ hội?

HS: Vì có cô tiên giúp ạ. Cô cho Cinderella mặc quần áo đẹp, lại còn biến quả bí thành cỗ xe ngựa, biến chó và chuột thành người hầu của Cinderella.

Thầy: Đúng, các em nói rất đúng. Các em thử nghĩ xem, nếu không có cô tiên đến giúp thì Cinderella không thể đi dự vũ hội được, phải không?

HS: Đúng ạ.

Thầy: Nếu chó và chuột không giúp thì cuối cùng Cinderella có thể về nhà được không?

HS: Không ạ.

Thầy: Chỉ có cô tiên giúp thôi thì chưa đủ. Cho nên các em cần chú ý: Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta đều cần có sự giúp đỡ của bạn bè. Bạn của ta không nhất định là tiên là bụt, nhưng ta vẫn cần đến họ. Thầy mong các em có càng nhiều bạn càng tốt. Bây giờ, đề nghị các em thử nghĩ xem, nếu vì mẹ kế không muốn cho mình đi dự vũ hội mà Cinderella bỏ qua cơ hội ấy thì cô bé có thể trở thành vợ của hoàng tử được không?

HS: Không ạ! Nếu bỏ qua cơ hội ấy thì Cinderella sẽ không gặp hoàng tử, không được hoàng tử biết và yêu.

Thầy: Đúng quá rồi! Nếu Cinderella không muốn đi dự vũ hội thì cho dù bà mẹ kế không ngăn cản đi nữa, thậm chí bà ấy còn ủng hộ Cinderella đi nữa, rốt cuộc cô bé cũng chẳng được lợi gì cả. Thế ai đã quyết định Cinderella đi dự vũ hội của hoàng tử?

HS: Chính là Cinderella ạ.

Thầy: Cho nên các em ạ, dù Cinderella không còn mẹ đẻ để được yêu thương, dù bà mẹ kế không yêu cô bé, những điều ấy cũng chẳng thể làm cho Cinderella biết tự thương yêu chính mình. Chính vì biết tự yêu lấy mình nên cô bé mới có thể tự đi tìm cái mình muốn giành được. Giả thử có em nào cảm thấy mình chẳng được ai yêu thương cả, hoặc lại có bà mẹ kế không yêu con chồng như trường hợp của Cinderella, thì các em sẽ làm thế nào?

HS: Phải biết yêu chính mình ạ.

Thầy: Đúng lắm! Chẳng ai có thể ngăn cản các em yêu chính bản thân mình. Nếu cảm thấy người khác không yêu mình thì em càng phải tự yêu mình gấp bội. Nếu người khác không tạo cơ hội cho em thì em cần tự tạo ra thật nhiều cơ hội. Nếu biết thực sự yêu bản thân thì các em sẽ tự tìm được cho mình mọi thứ em muốn có. Ngoài Cinderella ra, chẳng ai có thể ngăn trở cô bé đi dự vũ hội của hoàng tử, chẳng ai có thể ngăn cản cô bé trở thành hoàng hậu, đúng không?

HS: Đúng ạ, đúng ạ!

Thầy: Bây giờ đến vấn đề cuối cùng. Câu chuyện này có chỗ nào chưa hợp lý không?

HS: (im lặng một lát) Sau 12 giờ đêm, mọi thứ đều trở lại nguyên dạng như cũ, thế nhưng đôi giày thủy tinh của Cinderella lại không trở về chỗ cũ.

Thầy: Trời ơi! Các em thật giỏi quá! Các em thấy chưa, ngay cả nhà văn vĩ đại (nhà văn Pháp Charles Perrault, tác giả truyện Cô Bé Lọ Lem - chú thích của người dịch) mà cũng có lúc sai sót đấy chứ. Cho nên sai chẳng có gì đáng sợ cả. Thầy có thể cam đoan là nếu sau này có ai trong số các em muốn trở thành nhà văn thì nhất định em đó sẽ có tác phẩm hay hơn tác giả của câu chuyện Cô bé Lọ lem! Các em có tin như thế không?

Tất cả học sinh hồ hởi vỗ tay reo hò.

Thời Hàn Băng (nhà báo Trung Quốc)

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.