Thực nghiệm mô hình cải tạo cây cà phê chè catimor

Nhóm các kỹ sư Nguyễn Quốc Cường, thạc sỹ Đoàn Nhân Ái và Đặng Văn Cung ở Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thực nghiệm thành công mô hình cải tạo càphê catimor (một loại càphê chè) ở huyện A Lưới bằng phương pháp cưa đốn cây, phục hồi, nâng cao năng suất cây trồng.




Phương pháp mà nhóm kỹ sư đưa ra là cưa đốn cành, làm "trẻ hóa" diện tích cây càphê sau một thời gian khai thác.

Mô hình được thực hiện tại xã Nhâm, huyện miền núi A Lưới, trên diện tích 3,5ha, mật độ 5.000 cây/ha. Kỹ thuật cưa đốn được thực hiện ở vườn càphê già cỗi, năng suất thấp, tiến hành cưa thân cách mặt đất từ 25-30 cm, theo mặt phẳng nghiêng, mặt cắt nhẵn, không bị giập nát.

Sau khi cưa cây càphê, các kỹ sư tỉa thưa cây che bóng mát để ánh sáng chiếu vào vườn cây. Khoảng 20 ngày sau khi cưa đốn, chồi càphê nảy mầm được giữ lại phải để phân bố đều trên một gốc; đồng thời áp dụng các phương pháp chăm sóc như đối với vườn càphê trồng lần đầu (làm cỏ, bón phân, áp dụng các biện pháp bảo vệ thực vật...)

Theo kỹ sư Nguyễn Quốc Cường, Trưởng nhóm thực hiện dự án, ở A Lưới, nếu cây càphê được cưa đốn vào tháng Ba hàng năm sẽ rất thuận lợi cho việc phòng bệnh trên vết cưa và thời gian cây bật chồi vào tháng Tư. Vào thời gian này, buổi chiều thường có mưa dông mang theo nhiều lượng natri, thuận lợi cho sự phát triển của chồi, cành mới.

Sau khi cưa đốn khoảng 18 tháng, cây càphê cho thu hoạch. Lứa càphê sau cải tạo đầu tiên ở xã Nhâm, huyện A Lưới đã cho năng suất thực thu là 4,9 tấn càphê tươi/ha; năng suất này có thể còn cao hơn ở những vụ sau nếu được chăm sóc tốt.

Mô hình cải tạo vườn càphê chè catimor bằng phương pháp cưa đốn phục hồi phù hợp với điều kiện địa phương, dễ thực hiện và ít tốn kém.

A Lưới hiện có khoảng gần 1.000ha trồng càphê chè catimor; bao gồm càphê nông trường sản xuất tập trung và rải rác ở các hộ trên địa bàn; trong đó có 300ha đã qua chu kỳ khai thác và xuống cấp, năng suất đạt thấp, chỉ khoảng dưới 1 tấn càphê tươi/ha.

Nhiều hộ nông dân muốn phá bỏ diện tích càphê để trồng cây khác. Vì vậy, việc phục hồi, nâng cao năng suất càphê có ý nghĩa trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho bà con đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Mô hình này cần được nhân rộng ở huyện miền núi A Lưới trong thời gian tới./.
Labels: , ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.