Văn hóa thưởng thức cà phê của người Việt Nam (P2)

Với tôi, hương vị cà phê phin của Việt Nam không hề mạnh. Ngược lại đây chính là vị nguyên bản của cà phê Việt Nam, không lẫn vào đâu được. Chính vì vậy tôi rất bất ngờ khi giới trẻ Việt Nam lại ưa chuộng cà phê hòa tan, trong khi cà phê phin Việt Nam lại rất ngon.


Cà phê pha phin là văn hóa thưởng thức cà phê độc đáo của Việt NamBếp trưởng Didier Corlou đã nói như vậy khi độc giả Phùng Đức Tiến, 43 tuổi ở Hà Nội hỏi: Ông Didier Corlou cho tôi hỏi liệu hương vị cà phê pha phin của Việt Nam có mạnh quá đối với ông?

- Chào anh Lê Hoàng. Tôi cho rằng giới trẻ vẫn trân trọng cà phê phin nhưng vì yêu cầu của cuộc sống hiện tại, họ vẫn chấp nhận cà phê hòa tan vì không có sự lựa chọn nào khác. Ông nghĩ sao? (Nguyễn Thảo, 51 tuổi, Quảng Ngãi - Việt Nam)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Tôi nghĩ điều này hoàn toàn không đúng. Tôi chưa thấy một người trẻ nào uống cà phê phin. Tôi chỉ thấy những người già tưởng mình trẻ uống thứ đấy thôi.
Đạo diễn Lê Hoàng

- Tôi cho rằng giới trẻ vẫn trân trọng cà phê phin nhưng vì yêu cầu của cuộc sống hiện tại, họ vẫn chấp nhận cà phê hòa tan vì không có sự lựa chọn nào khác. Nhạc sĩ Quốc Trung nghĩ gì về điều này? (Như Duy, Quy Nhơn)

- Nhạc sĩ Quốc Trung:

Tôi thấy có rất nhiều  bạn trẻ có thể ngồi hàng giờ ngoài quán, vì vậy thời gian không phải là yếu tố gây cản trở trong việc thưởng thức nếu bạn thật sự thích cà phê. Còn khi làm việc hay trong văn phòng thì chắc là phải chấp nhận thức uống kiểu công nghiệp đó.

- Chào anh Lê Hoàng. Anh có nghĩ rằng cà phê hòa tan là một sự thay thế tất yếu cho cà phê phin để bắt nhịp với xu hướng phát triển? (An Hà, 56 tuổi, Seattle - Washington)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Tôi nghĩ chắc chắn như vậy. Không những cà phê mà trà cũng đang đi theo con đường hòa tan. Trong tương lai, tôi tin rằng, rau, thịt, bánh mì cũng sẽ hòa tan nốt. Tôi nói câu ấy hoàn toàn không đùa chút nào. Nếu bạn có dịp xem khẩu phần của các phi hành gia trên các phi thuyền thì tất cả tức ăn đều ở trong ống tuyết và được nghiền thành dạng kem, dù đó là rau muống hay cà phê.

- Em rất thích hương vị cà phê, nó giúp em cảm thấy tỉnh táo và sáng khoái, nhưng em dễ bị "say" khi uống cà phê dù chỉ một ly. Làm cách nào để em vừa có thể thưởng thức cà phê mà không lo bị say ạ? (Thùy Nguyễn, 26 tuổi, quận 7, TP HCM)

- Ông Đinh Tiến Dũng:

Chào bạn,

Rất đơn giản thôi, bạn giảm lượng cà phê xuống trước khi đến ngưỡng "say" là xong. Nếu bạn tự pha thì dễ điều chỉnh rồi, nếu bạn uống ở quán thì bạn gọi nửa ly cà phê thôi. Nếu quán không bán nửa cốc thì bạn rủ thêm một bạn nào đó cũng thích uống cà phê đi cùng để "uống hộ" một nửa.

- Chào đầu bếp Didier Corlou, anh là người nước ngoài tới Việt Nam làm việc và sinh sống, theo anh giữa người nước ngoài (có thể liên hệ đất nước của anh) và người Việt Nam thì cách thức thưởng thức cà phê khác nhau chỗ nào? (Nguyễn Thị Ngọc Liễu, 23 tuổi, 56 Bạch Đằng, TPThủ Dầu Một, Bình Dương)

- Bếp trưởng Didier Corlou:

Chào bạn,

Ở Pháp, người ta pha cà phê bằng phin giấy và pha rất nhanh vì không có thời gian, cho nên vị cà phê không được đậm đà giống như cách người Việt uống cà phê. Đó là cách uống và hương vị rất đặc trưng ở Việt Nam.
Bếp trưởng Didier Corlou.

- Chào nhạc sĩ Quốc Trung. Theo anh, giới trẻ hiện nay sống vội vã như vậy nhưng đến khi họ bước vào độ tuổi trung niên rồi thì mọi thứ sẽ chậm lại, theo anh họ có tự động quay về với cà phê phin? (Minh Hà, 33 tuổi, Cầu Giấy - Hà Nội)

- Nhạc sĩ Quốc Trung:

Tôi đang ở độ tuổi trung niên nhưng cũng luôn vội vã. Để thưởng thức hay đơn giản là một thú vui nào đó thì người ta sẽ chú ý tới chất lượng hơn là số lượng. Và theo tôi một ly cà phê phin cũng không mất nhiều thời gian hơn một cốc cà phê hòa tan. Và với các bạn trẻ, quỹ thời gian luôn nhiều hơn những người trung niên, chẳng qua là họ luôn vội vã chứ không phải thiếu thời gian.

- Chào đạo diễn Lê Hoàng. Chú có cho rằng cà phê phin đại diện cho một hình ảnh rất cổ hủ và không chịu đổi mới của người Việt? (Thái Hòa, 33 tuổi, Sài Gòn)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Cà phê phin không đại diện cho cổ hủ, nó chỉ đại diện cho sự chậm chạp.

- Theo đạo diễn Lê Hoàng, cà phê hòa tan liệu có làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam hòa tan, mất đi sự khác biệt? (Minh Xuân, 31 tuổi, Bảo Lộc)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Tôi nghĩ văn hóa Việt Nam không yếu ớt như thế. Trong kinh doanh hôm nay, có một câu khẩu hiệu mà ai cũng biết, đó là "khác biệt hay là chết" mà văn hóa Việt Nam thì chắc chắn không bao giờ chết. Do vậy, văn hóa Việt Nam có sự khác biệt đủ mạnh để trường tồn với thời gian.

- Xin được hỏi đạo diễn Lê Hoàng, tôi hiểu cà phê hòa tan rất tiện lợi cho giới trẻ. Nhưng nếu nói về gu thưởng thức thì không có. Anh có thể chia sẻ một điểm đặc sắc trong văn hóa thưởng thức cà phê hòa tan? (Kiều Trang, 26 tuổi, Hải Phòng)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Người ta có thể vừa uống cà phê hòa tan, vừa làm một việc khác, thậm chí khi di chuyển với tốc độ cao. Cà phê phin thì không như thế. Trong cuộc sống hôm nay, đôi lúc tốc độ cũng là một thứ văn hóa.

- Chào anh Quốc Trung. Theo anh thì cà phê Việt có điểm nào khác biệt so với cà phê nước ngoài như Cappuchino, Latte...? Anh thích cà phê nào hơn? (Mạnh Cường, Biên Hòa)

- Nhạc sĩ Quốc Trung:

Cũng như là thực phẩm, đồ uống của người Việt luôn phải có hương vị rõ ràng và đậm đà. Chính vì vậy cách uống cà phê của người Việt Nam với cách pha phin cà phê đặc sánh cộng với sữa đặc tạo nên một hương vị rất đậm đà, rất riêng. Những người xa Hà Nội ắt hẳn sẽ nhớ mùa đông bên ly cà phê phin pha sữa nồng nàn. Những khu người Việt ở hải ngoại cũng luôn luôn có những ly cà phê phin pha sữa dành cho những người xa quê hương.
Nhạc sĩ Quốc Trung.

- Theo ông, cách uống cà phê phin chầm chậm thong thả có phản ánh được lối sống của người Việt, chưa đủ nhanh và hợp thời để bắt kịp xu hướng như các nước tiên tiến? (Trường Minh Ngọc, 45 tuổi, Bến Tre)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Bạn vừa hỏi vừa trả lời cho chính câu hỏi của mình rồi đấy.

- Thật sự theo tôi thì ly cà phê phin chỉ ngon nhất lúc mình chưa uống hay chính xác hơn là ngồi ngắm từng giọt cà phê rớt thật chậm, bốc hương thơm lừng, chứ lúc uống vào rồi thì câu chuyện rôm rả là chính nên đôi khi quên mất ly cà phê. Phải chăng tôi sai hay chưa có đúng người thưởng thức cà phê cùng? (Nguyễn Thế Đế, 39 tuổi, TP HCM)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Điều này có thể do bạn chưa có người thưởng thức cùng hoặc người thưởng thức cà phê cùng bạn già quá.

- Xin "Giáo sư Xoay" cho biết về sự khác biệt cơ bản trong cách uống, thưởng thức cà phê của người Việt Nam so với người phương Tây? Và trong mỗi cách uống này, điều gì làm lên sự khác biệt đó? Trân trọng cảm ơn! (Phạm Thạch Anh, 33 tuổi, lầu 2, G1, Khách Sạn Thanh Đa, Phường 27, Bình Thạnh, TP HCM)

- Ông Đinh Tiến Dũng:

Chào bạn,

Tôi cũng đã có dịp được đi một số nước và đương nhiên là cũng thưởng thức cà phê tại đó. Nhưng tôi thấy đúng là chỉ có ở Việt Nam mình mới có cách pha cà phê bằng phin. Ở các nước khác, họ thường pha cà phê bằng máy, mọi chuyện diễn ra rất nhanh, "ào" một cái là có một ly cà phê nóng hổi. Nhưng chỉ khi pha cà phê bằng phin, việc thưởng thức cà phê không phải bắt đầu khi nâng ly cà phê lên miệng, mà bắt đầu từ khi ta rót nước sôi vào phin và ngồi thưởng thức hương vị cà phê tỏa ra trong lúc từng giọt cà phê chầm chậm rơi.

Có lẽ vì cách pha như vậy nên tôi có cảm giác cà phê ở nước ngoài "nhẹ" hơn cà phê Việt Nam mình rất nhiều. Bằng chứng là có hôm đi công tác nước ngoài, tôi uống đến 4 - 5 ly cà phê mà thấy chẳng "xi nhê" gì, chỉ thấy no bụng.
Giáo sư Xoay.

- Tôi nghĩ người ta thích uống cà phê phin vì cảm giác ngồi đợi từng giọt rơi, vì không khí, thời tiết, khung cảnh, ký ức… Nói chung, cà phê phin làm tôi nghĩ đến cảm xúc, cà phê hòa tan làm tôi nghĩ đến thực tại, sự vận động vì cơm áo gạo tiền. (Mimosa, 46 tuổi, Đà Lạt)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Tùy bạn thôi. Với tôi, thú thật cà phê phin khiến tôi nghĩ đến những người không có việc làm hoặc đang chờ đợi điều gì đó. Còn cà phê hòa tan dành cho những người đang phải giải quyết một chuyện khẩn cấp hoặc vừa uống vừa nghĩ đến những chuyện cần phải làm ngay.

- Chào đầu bếp Didier Corlou. Anh có từng uống cà phê ở các quán cà phê Việt Nam chưa? Nhìn cách uống cà phê của người Việt Nam anh có nhận xét gì về văn hóa uống cà phê Việt Nam hiện nay? Trong những năm gần đây người Việt bắt đầu tiếp thu về các loại thức uống về cà phê của phương Tây, ví dụ như Italy, Mỹ... Vậy theo anh, anh có nghĩ một ngày nào đó người Việt Nam có thay đổi hoàn toàn về cách uống cà phê giống phương Tây? Nếu có một lời khuyên cho giới trẻ hiện nay về cách sử dụng cà phê, anh sẽ nói như thế nào? Cảm ơn anh rất nhiều. (Bùi Trần Hữu Thành, 27 tuổi, Nguyễn Trãi , TP HCM)

- Bếp trưởng Didier Corlou:

Hình ảnh của những quán cà phê góc đường với những con người nói chuyện rôm rả in sâu trong tâm trí tôi về văn hóa cà phê quán xá của người Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây, tôi chỉ thấy đa số người uống cà phê quán xá là nam giới ở độ tuổi trung niên. Có thể với cuộc sống ngày càng nhanh hơn, giới trẻ đã chuyên sang uống cà phê hòa toa rồi chăng?

Tôi không thể trả lời chắc chắn rằng văn hóa cà phê Việt Nam có bị hòa lẫn với cách uống phương Tây hay không nhưng với tôi đây là một nét văn hóa cần phải gìn giữ. Có thể chúng ta sẽ cải thiện công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm nhanh, gọn, nhưng vẫn giữ nguyên hương vị của cà phê truyền thống.

- Chào Dũng, mình rất thích cách dẫn chương trình của Dũng, không thấy bạn xuất hiện trên truyền hình nữa con mình rất tiếc đấy (nó rất thích vai "Giáo sư Xoay" của anh). Hiện Dũng đang làm gì, cà phê thì có ảnh hưởng gì đến khả năng sáng tác của Dũng không? (Hồng Anh, 35 tuổi, Hà Nội)

- Ông Đinh Tiến Dũng:

Chào bạn,

Cảm ơn bạn rất nhiều vì đã yêu thích vai diễn của mình. Hiện nay mình làm Giám đốc Sáng tạo của một công ty làm về truyền hình, nên công việc sáng tác là việc rất thường xuyên.
Mình không dám chắc lắm về tác dụng của cà phê đối với khả năng sáng tác của mình, nhưng chắc chắn khi ngồi viết lách cái gì đó mà có một ly cà phê bên cạnh để nhấm nháp thì sẽ cảm thấy rất dễ chịu, khi dễ chịu thì làm việc gì cũng có vẻ hiệu quả hơn, không riêng gì sáng tác.

- Tôi nghĩ có rất nhiều bạn trẻ thậm chí còn không biết cà phê phin Việt Nam xếp vào top 10 cách uống cà phê độc đáo nhất thế giới, nhưng uống cà phê phin có phải là truyền thống văn hóa của Việt Nam đâu, chỉ là cách uống thôi, vậy có cần thiết phải đẩy văn hóa uống cà phê phin như mọi người đang bàn luận? (Nguyễn Phú, 43 tuổi, Đà Nẵng)

- Đạo diễn Lê Hoàng:

Bạn nói cà phê phin Việt Nam xếp vào top 10 cách uống cà phê độc đáo nhất thế giới, vậy bảng xếp hạng này do ai thực hiện và đánh giá vào lúc nào. Ví dụ như tôi là một đạo diễn điện ảnh cũng không nhớ hết 10 bộ phim hay nhất thế giới, vì mỗi nhà phê bình, mỗi giai đoạn, danh sách này lại được thay đổi liên tục (tất nhiên có thay đổi đến mấy thì phim của Lê Hoàng cũng không vào).

Còn uống cà phê có phải văn hóa không ư? Thú thật rằng, hiện nay có rất nhiều thứ trong cuộc sống được mọi người gọi là văn hóa. Ví dụ như ăn phở xếp hàng hoặc bún mắng cháo chửi ở đâu đó cũng có người bảo đó là nét văn hóa độc đáo. Vì vậy, bảo cách thưởng thức cà phê là văn hóa chắc cũng không sai.

- Thưa bếp trưởng Didier Corlou, theo ông, cách pha cà phê phin thế nào để ngon. Tương tự, cà phê hòa tan thưởng thức thế nào để chất. Ông nhận xét thế nào về gu thưởng thức cà phê của người Việt chúng tôi. (Hải Nguyên, 34 tuổi, Hà Nội)

- Bếp trưởng Didier Corlou:

Chào Nguyên,

Để có một ly cà phê ngon, nước nóng vừa đủ, không quá nóng, cũng không quá nguội và ly đã được trán một ít nước sôi trước khi pha. Cà phê rang xay phải mới nhất, tươi nhất, đạt chuẩn. Cà phê ngon nhất là ở nước cốt đầu tiên.

Cách pha chế cà phê phải đậm đặc, có vị hơi đắng mới ngon. Chính vị đắng này cũng giúp cho bạn có thể tiêu hóa tốt, vị đậm của cà phê sẽ lưu lại hương vị nồng nàn trong miệng.

Cà phê hòa tan thì tôi không uống nhiều, nhưng tôi nghĩ hương vị càng giống cà phê pha phin thì càng "chất".

Nguồn tin: vnexpress.net
Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.