Bí mật thành công của gia tộc Mỹ có 14 tỷ phú do làm… nông nghiệp

Trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2015 vừa được Forbes công bố có sự xuất hiện của 14 thành viên trong gia đình Cargill. Nhiều hơn bất kỳ gia tộc nào khác trên thế giới.


Nội dung nổi bật:

- Cargill là công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm nông nghiệp với 75 doanh nghiệp nhỏ, 143.000 nhân viên tại 67 quốc gia trên toàn thế giới.

- Gần như các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của người Mỹ như hamburgers, sandwiches đều có sử dụng nguyên liệu của Cargill.

- Bí quyết để kinh doanh thành công và có tới 14 thành viên trong gia đình lọt top tỷ phú Forbes của họ được tóm gọn là: Làm việc hiệu quả, sản lượng cao, lợi nhuận thấp nhưng lại thông minh hơn và nhanh nhạy hơn bất kỳ ai khác.

Là công ty tư nhân lớn nhất tại Mỹ có trụ sở ở Minnesota, Cargill gồm 75 doanh nghiệp nhỏ, sử dụng 143.000 nhân công tại 67 quốc gia trên toàn thế giới. Trong năm 2013, doanh thu toàn công ty đạt gần 134 tỷ USD. Chính nguồn thu này đã giúp gia tộc Cargill trở nên rất, rất giàu có.

Điều đáng lưu tâm đó là, trong danh sách những tỷ phú giàu nhất thế giới năm 2015 vừa được Forbes công bố có sự xuất hiện của 14 thành viên trong gia đình Cargill, nhiều hơn bất kỳ gia tộc nào khác trên thế giới.

Nếu coi gia đình Cargill là một quốc gia, họ sẽ có nhiều tỷ phú ngang với Thụy Điển và Israel. Điều này đồng nghĩa với việc, họ đứng vị trí số 31 trong danh sách những quốc gia nhiều tỷ phú nhất thế giới.

Dù rất giàu có nhưng những thông tin về gia tộc Cargill lại ít được công khai. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng sống khá kín tiếng: "Gia đình Cargills có cuộc sống cực kỳ lặng lẽ và không khoa trương, rất nhiều trong số họ sống tại các trang trại rộng lớn ở vùng Montana".

Sơ đồ gia tộc Cargill.

Lần hiếm nói duy nhất ống kính của nữ hoàng Oprah được trực tiếp ghi hình bên trong một lò mổ của Cargill là đầu năm 2011. CEO lúc đó của công ty là ông Greg Page chia sẻ về động thái tích cực bất thường này với truyền thông là: "Thế giới đang ngày càng trở nên tò mò về nguồn gốc của những thực phẩm mà họ ăn hàng ngày".

Cargill có ảnh hưởng lớn cỡ nào?

Một số thông tin ít ỏi được tạp chí Forbes tiết lộ dưới đây sẽ không khỏi gây "sốc" với nhiều người:

Năm 1865 (giai đoạn cuối của nội chiến Mỹ), W.W. Cargill thành lập công ty đầu tiên trên vùng biên giới Iowa. Trải qua gần 150 năm, hiện con cháu của ông vẫn sở hữu tới 88% cổ phần của đế chế nông nghiệp này. Những nhân vật được thừa kế lớn nhất gồm có James Cargill II, Austen Cargill II và Marianne Liebmann.

- Để làm được món Egg McMuffins, McDonald's đã phải mua rất nhiều trứng dạng lỏng từ Cargill.

- Đối với hamburger: Các cơ sở giết mổ gia súc của Cargill cho ra sản lượng nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên nước Mỹ.

- Cuối cùng là sandwiches: Cargill xếp vị trí thứ 8 về lượng cung cấp thịt lợn và số 3 về thịt gà tây tại Mỹ.

Những số liệu trên cho thấy, gần như các thực phẩm tiêu thụ hàng ngày của người Mỹ đều có sử dụng nguyên liệu của Cargill.

Thậm chí, mỗi thứ người Mỹ ăn hoặc uống hàng ngày như 1 thanh kẹo, bát súp, cái kem, sữa chua, kẹo gum hay bia đều có thể chứa một phần nguyên liệu từ danh sách các sản phẩm phụ gia của Cargill. Hiện doanh nghiệp sản xuất gia vị của gia đình Cargill trị giá tới 50 tỷ USD. Nó sản xuất rất nhiều sản phẩm từ muối, đường, chất bảo quản…

Vì đâu gia đình Cargill lại trở nên giàu có đến vậy?

Cargill đề ra quy định rất ngặt nghèo về việc hạn chế nhân viên sở hữu cổ phần. Theo công bố chính thức, hiện khoảng 100 người con cháu của người sáng lập vẫn đang sở hữu gần 90% cổ phần của công ty, tương đương với khoảng 52 tỷ USD.

Cargil kinh doanh đa dạng. Trên một phương diện nào đó, người ta có thể nhầm lẫn đây là công ty vận tải lớn bậc nhất thế giới. Cụ thể, Cargill vận chuyển đậu nành và đường từ Brazil, dầu cọ từ Indonesia; bông từ châu Á, châu Phi, Australia, và Deep South; thịt bò từ Argentina, Australia, và Great Plains; muối từ khắp Bắc Mỹ, Australia, và Venezuela. Công ty hiện điều hành 1.000 sà lan sông, hợp đồng thuê 350 tàu được gọi bởi khoảng 6.000 cảng biển trên toàn thế giới.

Cargill rất chú trọng đến việc mở rộng thị trường, tung ra sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng, đảm bảo dòng chảy ổn định các mặt hàng nông nghiệp trong một môi trường toàn cầu đang thay đổi.

Wally Falcon, Phó giám đốc Trung tâm an ninh lương thực và môi trường tại Đại học Stanford đã tóm gọn bí quyết thành công của gia đình Cargill trong một câu rằng: "Họ làm việc hiệu quả, sản lượng cao, lợi nhuận thấp nhưng lại thông minh hơn và nhanh nhạy hơn bất kỳ ai khác".

Liệu đế chế Cargill hùng mạnh như vậy có bao giờ gặp khó khăn không?

Thực tế không ai có thể miễn dịch hoàn toàn với thất bại. Ví dụ điển hình là dù doanh thu trong năm tài chính 2012 tăng 34% nhưng tổng lợi nhuận của Cargill giảm tới 66%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là bởi công ty phải chi quá nhiều tiền để khắc phục những thảm hoạ thiên nhiên như lũ lụt, dịch bệnh trong năm đó.

Theo Phương Linh-Trí thức trẻ


Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.