Nông nghiệp có phải cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam?


Trong vài năm qua, đề tài nông nghiệp ngày càng trở nên nóng hơn khi một số đại gia Việt Nam chuyển qua làm nông nghiệp như Bầu Đức của HAGL, Đặng Văn Thành của Sacombank, Thái Hương của Ngân hàng Bắc Á…cộng thêm việc được báo chí ra sức cổ vũ, nhiều người nghĩ rằng nông nghiệp sẽ là cứu cánh của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Sự thực có phải vậy hay chỉ nên coi đó là một việc bình thường chuyển hướng hoặc mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp.

Xét trên yếu tố lịch sử, Việt Nam có hàng ngàn năm làm nông nghiệp, vậy rõ ràng là họ rất thành thạo với công việc này. Điều này là đúng nếu chúng ta không so sánh mình với những người khác. Việc so sánh này để cho biết nông nghiệp có phải thế mạnh của Việt Nam hay không trước khi nói nó có phải là cứu cánh của nền kinh tế?

Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith cho rằng, các quốc gia nên chuyên môn hóa sản xuất những mặt hàng mà mình có lợi thế tuyệt đối, sau đó trao đổi hàng hóa với các quốc gia khác có lợi thế tuyệt đối của họ. Tuy nhiên, lý thuyết này của ông không giải thích được rằng, có những quốc gia không có lợi thế tuyệt đối gì hoặc có những quốc gia có quá nhiều lợi thế tuyệt đối, vậy họ sẽ làm gì hay lại bế quan tỏa cảng, đóng cửa để tự cung tự cấp? Hạn chế này của Adam Smith được David Ricardo khắc phục bằng Lý thuyết lợi thế so sánh, Ricardo cho rằng, các quốc gia nên tập trung sản xuất những sản phẩm mà quốc gia mình có lợi thế so sánh so với những sản phẩm khác.

Ví dụ, nếu Anh sản suất 1 đơn vị lúa mỳ tốn 15h và 1 đơn vị rượu vang tốn 30h còn Bồ Đào Nha sản xuất 1 đơn vị lúa mỳ tốn 10h và 1 đơn vị rượu vang tốn 15h. Như vậy, 1 đơn vị rượu vang tại Anh sản xuất phải tốn chi phí tương đương với chi phí để sản xuất 2 đơn vị lúa mỳ (hay nói một cách khác, chi phí cơ hội để sản xuất 1 đơn vị rượu vang là 2 đơn vị lúa mỳ); trong khi đó, tại Bồ Đào Nha, để sản xuất 1 đơn vị rượu vang chỉ mất chi phí tương đương với chi phí để sản xuất 1,5 đơn vị lúa mỳ (hay chi phí cơ hội để sản xuất 1 đơn vị rượu vang là 1,5 đơn vị lúa mỳ). Vì thế ở Bồ Đào Nha sản suất rượu vang rẻ hơn tương đối so với ở Anh (theo Wikipedia). Vậy, Bồ Đào Nha nên sản xuất rượu vang còn Anh nên sản xuất lúa mỳ vì khi tính tổng sản lượng của việc chuyên môn hóa này cao hơn việc cả hai quốc gia cùng làm 2 sản phẩm hoặc 1 quốc gia làm cả hai còn 1 quốc gia không làm gì. Trong thế giới ngày nay, lý thuyết của Ricardo càng tỏ ra hữu dụng.

Việc sản xuất nông nghiệp của Việt Nam có hai mục đích. Một là, để đáp ứng nhu cầu lương thực trong nước. Hai là, phục vụ xuất khẩu khi nhu cầu trong nước đã được đáp ứng đủ. Mục đích đầu tiên đã được đáp ứng, còn mục đích thứ hai Việt Nam vẫn đang dò đường vì cái Việt Nam xuất khẩu là những thứ trong nước không tiêu dùng hết là chủ yếu chứ không phải mục đích của nó là chuyên xuất khẩu để lấy giá trị thặng dư cao. Do vậy, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam mang đi xuất khẩu đều là những sản phẩm có giá trị thấp và thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quốc gia kém phát triển như Châu Phi, Trung Quốc còn các thị trường phát triển như Châu Âu, Nhật Bản thì sản phẩm nông nghiệp của Thái Lan, Ấn Độ chiếm giữ. Liệu chúng ta có thể trông đợi vào sản phẩm nông nghiệp giá trị thấp làm cứu cánh của nền kinh tế hay không? Trong khi lịch sử chưa ghi nhận quốc gia nào đó giàu có nhờ nông nghiệp thuần túy.

Chúng ta cũng đã nói nhiều về sự thành công của nông nghiệp Israel hay Nhật Bản với mô hình Làng Thần Kỳ nhưng chúng ta có biết Israel thành công trong nông nghiệp do sử dụng công nghệ cao để làm nông nghiệp và để tránh tình trạng sa mạc hóa nguồn đất đai hữu hạn của họ, còn Nhật Bản thành công ở Làng Thần Kỳ cũng do công nghệ và đất ở vùng đó không thể làm gì khác được. Tức là họ không có lựa chọn nào khác. Sự thành công của nông nghiệp ở Châu Âu và Mỹ cũng tương tự, họ đều sử dụng công nghệ cao với cánh đồng mẫu lớn. Nhưng đó là thành công của ngành nông nghiệp chứ tuyệt nhiên không phải là lĩnh vực cứu cánh của nền kinh tế vì chỉ cần nhìn vào tỷ trọng nông nghiệp đóng góp vào GDP của Israel, Nhật, Châu Âu, Mỹ để thấy điều đó. Tỷ trọng đó không quá 1% đóng góp cho GDP.

Trở lại với việc chuyển hướng, mở rộng sang lĩnh vực nông nghiệp của các đại gia Việt Nam, thiển ý chỉ nên coi đó là việc bình thường của các doanh nghiệp nếu họ thấy mình có thế mạnh hoặc nhìn xa hơn chút chúng ta có quyền nghi ngờ những ẩn ý đứng đằng sau những việc chuyển hướng này, vì lịch sử đã có những minh chứng cho việc chuyển hướng để thu về những mối lợi to lớn khác. Một đại gia Việt Nam, từng đứng đầu trong số những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam từng đầu tư trồng cao su, làm thủy điện và coi đó như một hướng kinh doanh mới được báo chí nhắc đến nhiều, nhưng ẩn đằng sau đó là việc thu lợi gỗ từ chặt rừng để trồng cao su, thủy điện. Sau đó họ bán luôn cao su và thủy điện đi và rút nhanh khỏi lĩnh vực này. Có rất nhiều điều để chúng ta suy nghĩ ngoài việc nhìn thấy vẻ bề ngoài của họ và sự cổ vũ của báo chí.

Nông nghiệp hay bất cứ lĩnh vực nào khác cũng cần tuân theo quy luật cung cầu. Rằng chỉ nên sản xuất những gì mà thị trường cần chứ không phải những gì mình có. Đành rằng nông nghiệp ( đặc biệt là cây lương thực) không thể thiếu trong sinh hoạt của con người, nhưng mọi thứ đều có quy luật sinh, thành, lão, tử. Do vậy, nếu cho rằng sản xuất nông nghiệp mà chỉ dựa vào việc hàng ngàn năm nay chúng ta vẫn làm thế để coi là một thế mạnh và cần tập trung thì đó là một quan niệm sai lầm. Chưa kể đến việc cây công nghiệp như cao su, tiêu, điều… có chu kỳ sinh trưởng trong dài hạn, chỉ cần một sai lầm đối với loại cây này có thể dẫn đến sự nghèo đói của cả một thế hệ chứ chưa nói đến việc làm giàu dựa vào nó.

Nông nghiệp Việt Nam từng giúp đất nước thoát đói trong một thời gian ngắn sau chiến tranh, đó là một thành công. Và sẽ có bạn hỏi, nếu Việt Nam không làm nông nghiệp thì sẽ làm gì?

Nếu thước đo sự thịnh vượng của Việt Nam là ăn no, mặc ấm thì nông nghiệp đã đáp ứng được, còn thước đo của nó là ăn ngon, mặc đẹp thì nông nghiệp không thể.

Những gì từng giúp bạn thành công trong quá khứ chưa chắc đã giúp bạn thoát chết trong tương lai.

Hết thời cây ca cao

Theo Công Phiên – Báo Saigon Giải Phóng – 14 Aug 2014

Nông dân ĐBSCL không còn mặn mà với cây ca cao, loại cây từng được kỳ vọng nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Vì sao có thực trạng này?

Phá bỏ hàng loạt

Ca cao trồng ở Việt Nam, đặc biệt tại Bến Tre, được các nhà nhập khẩu đánh giá là cho trái có chất lượng tốt hàng đầu thế giới. Lúc cao điểm, năm 2012, diện tích ca cao của Bến Tre lên đến 10.600 ha.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) từng khẳng định, nhu cầu của thị trường thế giới đối với hạt ca cao là rất lớn và có thể xen dưới tán các cây dừa. Bến Tre là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về diện tích ca cao. Phần lớn cây ca cao tại Bến Tre được trồng xen trong vườn dừa, giúp nông dân tăng thu nhập gần gấp đôi trên cùng diện tích.

Tuy nhiên, việc phát triển cây ca cao thời gian mang tính tự phát, “ăn theo” các dự án, trong khi khâu kỹ thuật, thu mua, sơ chế hạt chưa chuyên nghiệp. Khi kết thúc dự án, không còn tài trợ, đầu ra bấp bênh nên nhiều người dân đã nản dần với cây công nghiệp này, diện tích theo đó giảm mạnh.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, hiện diện tích ca cao của tỉnh chỉ còn hơn 5.200ha (giảm tương đương 50%)… Do giá quá thấp nên nông dân ồ ạt đốn bỏ ca cao vào cuối năm 2012, đầu 2013 để chuyển đổi cây trồng mới như bưởi da xanh, cam, chanh…

Ông Nguyễn Văn Lem (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm) là nông dân đầu tiên của tỉnh Bến Tre trồng ca cao trong vườn dừa, với số lượng khoảng 300 gốc. Vài năm đầu, ca cao cho lợi nhuận tăng thêm khá cao trên diện tích trồng dừa. Tuy nhiên, mấy năm qua, giá ca cao giảm mạnh, trong khi các loại cây đặc sản khác của địa phương như bưởi da xanh, nhãn, chanh, cam, quýt… cho thu nhập rất cao. Từ đó, ông Lem đốn dần vườn ca cao của mình đến nay chỉ còn vài chục gốc, để trồng cây khác.

Tại huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, từ năm 2008 – 2011, diện tích ca cao liên tục tăng từ 100 – 230 ha/năm. Từ năm 2012, 2013, chỉ tăng 50 ha/năm, không đạt kế hoạch. Riêng 6 tháng năm 2014, số lượng cây giống các hộ đăng ký trồng cũng mới đạt gần 42% kế hoạch… Nguyên nhân do đầu ra bấp bênh, nguồn thu nhập thấp, nên nhiều nông dân quay lưng với loại cây này.

Vì thế dự án phát triển cây ca cao giai đoạn 2011 – 2015 của tỉnh Vĩnh Long tập trung ở các huyện Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn, Mang Thít và thị xã Bình Minh với kinh phí hơn 12 tỷ đồng đang gặp khó trong việc mở rộng diện tích…

Không nên chạy theo phong trào

Trao đổi với chúng tôi, “vua trồng dừa” Đỗ Thành Thưởng, ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, nói: “Tại các cuộc hội thảo, hội nghị về cây ca cao, tôi đã lên tiếng phản đối việc mở rộng diện tích loại cây này trên xứ cù lao vốn bị nhiễm mặn mấy tháng mỗi năm. Thế nhưng, nhiều người, nhiều nhà quản lý cứ xúi nông dân trồng theo các dự án. Tại xã Hưng Phong, nhiều người trồng ca cao nay phải đốn hết vì bị nước mặn làm cháy lá, không ra trái. Thực tế, ở Bến Tre có nhiều địa phương bị ảnh hưởng nước mặn, thậm chí có những năm cả tỉnh bị nước mặn xâm nhập.

Thực tế, trồng ca cao đòi hỏi kỹ thuật cao hơn trồng dừa, trong khi không phải ai cũng có trình độ và quyết tâm. Nên chúng ta không thể làm đại trà để mở rộng diện tích một cách nhanh chóng được. Đặc biệt, theo tìm hiểu của tôi, tại nhiều nước khác người ta trồng ca cao trước vài năm mới trồng dừa thì đạt hiệu quả cao. Còn mình làm ngược lại…”.

Ông Trần Hùng Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca cao Utrz số 5 (xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) cho biết: “Câu lạc bộ chúng tôi có 64 hộ với 40ha, trồng ca cao xen dừa, cây ăn trái; áp dụng tiêu chuẩn của Hà Lan, tương đương VietGAP, phát triển khá ổn định. Hiện giá ca cao đang ở mức cao, 5.500 – 5.600 đồng/kg trái; 66.300 đồng/kg hạt. Công ty Cargill bao tiêu sản phẩm.

Nhiều hộ như Nguyễn Văn Phú, Nguyễn Thanh Hoàng trồng ca cao đạt hiệu quả tốt, thu lợi 80 – 100 triệu đồng/ha/năm; chưa kể nguồn thu từ dừa, cây ăn trái. Hiện chúng tôi đang chuẩn bị thành lập thêm các câu lạc bộ mới (khoảng 30 – 35 hộ/câu lạc bộ) để tập huấn, hướng dẫn cho 100 hộ trồng ca cao mới đạt tiêu chuẩn để đảm bảo đầu ra ổn định.

Để phát triển ca cao bền vững ở ĐBSCL, các nhà quản lý, chuyên gia cho rằng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ khâu nghiên cứu, tuyển chọn giống cho người trồng, chuyển giao kỹ thuật; liên kết đầu tư vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nông dân; xây dựng hình ảnh và thương hiệu ca cao Việt Nam để tăng sức cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu nông sản…

Đầu năm 2014, ACDI/VOCA, một trong những tổ chức tham gia hỗ trợ, tập huấn nông dân trồng ca cao, công bố lý do vì sao nông dân chặt bỏ cây ca cao khi giá hạt ca cao giảm còn trên dưới 30.000 đồng/kg.

Mới đây, theo dự báo của Tổ chức Ca cao quốc tế – ICCO, nhu cầu sử dụng ca cao tăng mạnh mà nguồn cung thu hẹp nên năm 2014 toàn cầu sẽ thiếu 150.000 tấn ca cao nguyên liệu và có thể thiếu cả triệu tấn những năm tới, nếu không có giải pháp.

Giá và sâu bệnh

Cuộc khảo sát cho thấy, trong bối cảnh quỹ đất cây trồng không còn, chính sự hỗ trợ từ bên ngoài về đào tạo kỹ thuật chăm sóc, cây giống, kỹ thuật ủ chua hạt để gia tăng lợi nhuận cũng như triển vọng của cây ca cao là động lực để nông dân trồng ca cao xen với các loại cây trồng khác như cây dừa, cây điều….

Thực tế bà con nông dân nhận thức, đây là hình thức đầu tư dài hạn mà thách thức lớn nhất của nó là rủi ro. Với những hộ chặt bỏ, bao gồm cả việc không chăm sóc có 3 lý do chính đưa ra: Sâu bệnh, thiếu nước tưới và giá cả.

Những nông dân bỏ ca cao khi trồng hơn 3 năm, mới cho quả bói đầu mùa, chăm sóc chưa đạt yêu cầu nên ít trái, hơn nữa cây chưa đến giai đoạn có năng suất cao. Theo họ, chặt bỏ là để giảm lỗ.

Cũng qua khảo sát cho thấy, có sự thiếu hụt giữa tập huấn và đầu tư cho cây ca cao, cùng với chi phí đầu vào tăng, năng suất thấp mà lại bán trái tươi (thường rất thấp so với trái lên men) là yếu tố làm nông dân không thiết tha với cây ca cao. Người chặt bỏ ca cao thường có diện tích dưới 1,5ha/vườn.

Một khảo sát của nhà quản lý cho thấy, đa số diện tích ca cao giảm ở khu vực không phù hợp với cây ca cao như thiếu nước tưới…

Trong khi những hộ nông dân giữ lại ca cao để trồng cũng có thời gian trồng tương đương hộ chặt bỏ, nhưng năng suất lại cao hơn và họ có chung một lý do: thu nhập từ cây ca cao khá tốt.

Như vậy, cả 2 nhóm này trồng cùng thời điểm, nhưng những người giữ lại đều có trên 600 cây ca cao và được chăm sóc khá bài bản, trong khi chỉ cần 500 cây ca cao chăm sóc tốt là có thể giúp duy trì sự ổn định về thu nhập.

Những người giữ lại thường có diện tích lớn hơn, trên 1,9ha/vườn. 70% số hộ khảo sát cho rằng, giá ca cao dù có giảm (đầu năm 2013) so với những năm trước nhưng vẫn chấp nhận được. Họ tin rằng, năng suất sẽ còn tăng lên và ổn định thời gian dài, khi ca cao vào giai đoạn trưởng thành thì thu nhập từ ca cao sẽ còn tăng thêm.

Hiện nay giá ca cao hạt đã lên từ 55.000 đến 60.000 đồng/kg, cao hơn cà phê, cao su, hạt điều. Bài học rút ra ở đây là giá cả luôn là vấn đề lớn đối với nông dân.

Quan trọng là chính sách

Cây ca cao cũng như cà phê hay cây trồng khác, việc chặt bỏ riêng lẻ là điều không thể loại trừ mà luôn xảy ra trong sản xuất nông nghiệp. Cũng như vùng Tây Nguyên phù hợp với cây cà phê, nhưng vẫn có người trồng cà phê ở đây thất bại.

Vì vậy, làm sao giúp nông dân nhận thức ca cao cũng như cà phê, hồ tiêu hay cao su phải đầu tư bài bản vài năm mới có thu nhập, hưởng lợi. Điều quan trọng hơn, phải tuân thủ quy trình chăm sóc, không thể phó mặc hay lấy kinh nghiệm từ loại cây trồng này để áp dụng cho loại cây trồng khác.

Vấn đề là cần nghiên cứu chi phí của cây ca cao và cây khác để nông dân có so sánh chính xác hơn. Với những nơi trồng thuần, vấn đề là giúp nông dân giải pháp trước mắt để bà con có thu nhập khi chờ ca cao cho trái.

Với câu hỏi có muốn trồng tiếp ca cao không, nhiều hộ lắc đầu với lý do hết đất, nhưng cũng có khá nhiều trường hợp cho biết họ sẽ trồng lại nếu giá tốt. Một số nói sẽ trồng thêm để mở rộng diện tích khi họ nắm vững kỹ thuật xử lý sâu bệnh, tỉa cành năng suất cao, để có từ 3kg hạt/cây.

So với cây công nghiệp khác, nông dân cho rằng chi phí đầu vào, lao động và nước tưới cây ca cao đều thấp hơn mà lại cho thu nhập quanh năm. Nhưng người dân luôn lo lắng, không biết giá loại cây này tương lai sẽ như thế nào.

Tuy nhiên, bên cạnh nguồn thu, thách thức lớn nhất với đa số nông dân là vấn đề sâu bệnh, sóc và một số loại động vật khác ăn trái mà chưa biết cách xử lý. Trong khi thị trường và tín dụng là lĩnh vực người dân ít được tiếp cận.

Qua khảo sát cho thấy, không nên lấy điển hình nào đó để khái quát hóa về sự kiện chặt bỏ cây ca cao. Thách thức mang tính địa phương không thể khái quát chung cho toàn vùng. Và để khắc phục tình trạng này, mỗi khu vực đều phải có sự đa dạng về giải pháp để thích ứng mặc dù việc chặt bỏ chủ yếu đến từ những lý do như nêu trên.

Kinh nghiệm của các nước phát triển ca cao khá bền vững cho thấy, chính sách của nhà nước rất quan trọng trong việc giúp nông dân nắm chắc thông tin, tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Ở Bờ Biển Ngà, Ghana, chính phủ lập ra Ủy ban Ca cao để giám sát chất lượng, thị trường cũng như việc sản xuất kinh doanh, đề ra chính sách hợp lý với mục tiêu thúc đẩy việc liên kết và sơ chế hạt ca cao trong nước (đã qua ủ chua) để tạo ra giá trị nhiều hơn, qua đó giúp nông dân nâng cao thu nhập.

Tác giả: Vũ Thế Thành - Gởi cho GNA vào 16/8/2014
Labels: ,
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.