Bồ Đề và niềm tin


Hai năm trước, tôi nhận được một lá thư nhờ giúp đỡ từ châu Âu. Lá thư của Dorota Lubanska, một nhà báo Ba Lan. Mỗi năm một lần, Dorota quy tụ những người bạn, tập hợp các nhà tài trợ, cùng tổ chức một giải bóng đá dành cho trẻ em sống trong các cô nhi viện.

Năm 2011, cô tổ chức giải bóng đá cho trẻ mồ côi toàn Ba Lan, gây được tiếng vang. Năm 2012, khi tôi gặp Dorota ở Warszawa, cô vừa tổ chức thành công giải bóng đá cho trẻ mồ côi toàn châu Âu với nhiều nhà tài trợ lớn. Và năm sau đó, cô muốn tổ chức World Cup. Một World Cup cho trẻ mồ côi.

Dorota viết thư cho tôi và muốn mời đội bóng của một cô nhi viện tại Việt Nam, mà cô đã tìm thấy trên mạng, và mời lũ trẻ sang châu Âu dự giải. Tôi kêu gọi sự giúp đỡ từ đồng nghiệp, nhưng mọi người không thực coi trọng chuyện này. Tôi không đủ sức lực, thời gian và quan trọng nhất là tiếng nói để làm một mình, bởi đưa lũ trẻ ra nước ngoài là một rừng thủ tục giấy tờ. Những lá thư của Dorota về sau trôi đi trong sự áy náy của tôi – có lẽ tôi sẽ còn áy náy với cô rất lâu nữa.

Hôm nay, khi sự kiện của trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề đã diễn ra được vài ngày, cơn tức giận đã nguôi, tôi bình tâm lại và nghĩ đến lá thư của Dorota.

Dorota đã nghĩ gì khi tìm thông tin trên mạng để tổ chức kỳ World Cup của cô? Tại sao cô chọn Việt Nam? Cô nhìn thấy một đất nước như thế nào? Tôi nghĩ mình có thể tưởng tượng ra được: đó là một đất nước mà cho dù đã trải qua nhiều chiến tranh, vẫn nổi tiếng vì sự hiền hậu và nhân ái của con người. Dorota nhìn thấy những đứa trẻ mồ côi khỏe mạnh sống trong những mái ấm, đang vui vẻ chơi bóng đá, bên cạnh các ni sư tươi cười.

Hãy tưởng tượng rằng bạn, một người Việt, nhập vai vào Dorota và tìm thông tin về những trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Việt Nam. Bạn gạt đi hoàn toàn nỗi ám ảnh về “sự kiện chùa Bồ Đề”. Bạn hẳn sẽ gặp nhiều câu chuyện xúc động. Bạn sẽ được đọc về những ngôi chùa nơi đã nuôi dưỡng hàng trăm đứa trẻ, để chúng lớn thành người, học hành tử tế, xây dựng gia đình, có người bây giờ còn là tiến sỹ. Bạn cũng sẽ giống như Dorota, muốn chìa bàn tay ra giúp chúng có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Trước một tội ác (nếu có) như buôn bán trẻ em – ai cũng muốn nâng tầm nó lên thành một sự thoái hóa đạo đức xã hội. Rất nhiều người, ngay sau sự kiện, thậm chí nhanh chóng quy kết về “thời mạt pháp”, về việc “buôn thần bán thánh”, “lợi dụng lòng thiện nguyện” một cách có hệ thống.

Tôi cũng đã muốn nghi ngờ tất thảy. Bởi vì cái mác “thiện nguyện” không phải đến hôm nay mới bị lợi dụng. Đã có nhiều vụ án rồi. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng càng bị thử thách, thì chúng ta càng cần phải nuôi niềm tin.

Bây giờ bạn có thể hoài nghi hết các trung tâm bảo trợ, và chùn tay khi đưa ra một sự giúp đỡ, một khoản quyên góp. Bạn có thể bĩu môi nói câu: “Tôi còn lạ gì”. Nhưng như thế là những kẻ tạo nghiệp vừa thực hiện được tội ác với những đứa trẻ vừa hủy hoại được niềm tin trong xã hội và tước mất cơ hội được nhận sự giúp đỡ của nhiều người khác.

Bạn có thể hỏi tôi rằng làm thế nào để biết rằng tôi không bị lừa? Tôi không muốn trả lời. Nhưng đó chính là lý do để chúng ta xây dựng nên cả một hệ thống giám sát, quản lý. Và chính quyền được trả lương để làm việc đó. Nếu có điều gì cần điều chỉnh, theo tôi là điều chỉnh hệ thống quản lý đó. Còn tôi, tôi sẽ không điều chỉnh niềm tin của chính mình.

Đó không chỉ là chuyện của riêng vụ án này. Những thông tin tiêu cực trong xã hội ngày càng nhiều và rất dễ đẩy người ta đến chỗ phủ nhận sạch trơn các giá trị tử tế.

Chúng ta cũng chẳng thể dạy lũ trẻ (và tự răn chính mình) trở thành người tốt nếu trong đầu chỉ có sự hoài nghi.

Đức Hoàng
Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.