CHÀNG KỸ SƯ NHẬT ĐẾN VIỆT NAM LÀM NÔNG DÂN

Trong khi bạn bè đã yên vị với nhà lầu, xe hơi, chàng trai Nhật Bản 30 tuổi vẫn ngày ngày cặm cụi cuốc đất, làm vườn tại Việt Nam để mang từng bó rau không thuốc trừ sâu, không phân hóa học đến tận tay người dùng.
Chàng trai sinh năm 1983 Shiokawa Minoru gắn bó với Việt Nam, với công việc làm nông dân Việt nhiều năm nay. Trong thời gian học đại học tại Nhật Bản, Shiokawa được tiếp cận với những bài thảo luận về vấn đề dân số tăng, thiếu tài nguyên, thiếu nước của thế giới, đặc biệt ở những nước kém phát triển. Rất nhiều điều làm chàng sinh viên chuyên ngành bảo vệ môi trường tò mò. Shiokawa quyết tâm đi làm thêm và tiết kiệm tiền đi du lịch nước ngoài, đến tận nơi để “tai nghe mắt thấy” tìm hiểu. Bốn nước mà Shiokawa đặt chân đến là Trung Quốc, Đài Loan, Campuchia và Việt Nam. Khi ấy là hè năm 2004, Shiokawa vừa tròn 21 tuổi.

Đến Việt Nam, Shiokawa ngạc nhiên vì cuộc sống giữa các vùng miền có sự khác nhau rất lớn về cơ sở hạ tầng, về sự giàu có, mức độ phát triển… Ngay TP HCM, bên này và bên kia sông Sài Gòn cũng đã có sự phát triển chênh lệch như hai thế giới biệt lập. Shiokawa cũng cảm nhận có một sự gần gũi, đồng điệu lạ kỳ giữa Việt Nam và Nhật Bản. Cả hai nước có diện tích gần bằng nhau, phần lớn giáp biển, diện tích trải dài Bắc - Nam. Một số địa danh, công trình mà Shiokawa ghé thăm đều ít nhiều có dấu ấn người Nhật.

“Trên chuyến tàu hỏa Bắc - Nam khi ấy, dù Shiokawa không biết tiếng Việt, hành khách đi tàu cũng không biết tiếng Nhật nhưng mọi người có sự giao tiếp rất vui. Mình bắt đầu ấn tượng với nụ cười thường trực của người Việt Nam”, chàng trai tâm sự rành rọt bằng tiếng Việt.

Shiokawa cùng một cô gái Nhật yêu thích nông nghiệp hữu cơ đang ươm cây con giống. Ảnh: P.L.

Sau khi về lại Nhật Bản, Shiokawa có dịp được giám đốc một công ty nông nghiệp trình bày dự án về nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam và rủ anh đi làm từ thiện. Qua Việt Nam, anh chịu trách nhiệm tuyển thực tập sinh và dạy tiếng Nhật cho các bạn trẻ người Việt trước khi qua Nhật thực tế. Thời gian đó, anh đi về giữa Việt Nam và Nhật Bản để vừa đảm đương công việc vừa hoàn thành chương trình năm cuối đại học.

Sau 5 năm vận hành dự án, Shiokawa được làm việc trực tiếp với nhiều nông dân Việt Nam, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, sẻ chia được nỗi vất vả của công việc của nhà nông. Tháng 7/2010, với diện tích khoảng 1.000 m2 thuê của người dân, Shiokawa tự mình cuốc đất, bắt đầu thử nghiệm mô hình trồng rau hữu cơ. Sản lượng lúc đầu rất ít và mang tính tự cung tự cấp. Hơn nữa, việc đưa ra thị trường lúc đó cũng còn khó khăn do rau hữu cơ có giá thành cao gấp 2-4 lần rau củ bình thường. Qua tìm hiểu, Shiokawa biết được rằng nhu cầu sử dụng rau hữu cơ trong cộng đồng người Nhật nói riêng tại TP HCM rất cao, do mối lo ngại về sự tràn lan các mặt hàng rau nhập không an toàn từ Trung Quốc. Cũng thời gian đó, anh đã kêu gọi được thêm những thực tập sinh từ Nhật trở về có cùng mong muốn làm về nông nghiệp hữu cơ.

Đến năm 2011, những giỏ rau củ xanh tươi, đảm bảo sạch, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học, tuân thủ những điều kiện môi trường ruộng vườn nghiêm ngặt của Nico Nico Yasai lần đầu tiên được chuyển từ Buôn Ma Thuột xuống TP HCM. Anh nhận đặt hàng của từng hộ gia đình rồi tự mình đứng ra vận chuyển rau vì công ty vận chuyển không biết tiếng Nhật.

Làm nông nghiệp hữu cơ là một công việc gian nan và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như thời tiết, sâu bệnh, dịch hại… Thời gian đầu kinh doanh, anh hầu như không có lợi nhuận, doanh thu không đủ bù vào chi phí đã bỏ ra trong hơn một năm trời. Nhưng tâm huyết với nông nghiệp hữu cơ, anh vẫn kiên trì gắn bó với ước mơ và lựa chọn của mình.

Shiokawa thu hoạch khoai. Ảnh: P.L.

Dần dần rau của Shiokawa trồng đã bắt đầu được cộng đồng người Nhật biết đến nhiều hơn, khách hàng cũng có những phản hồi tốt hơn. Nhờ đó mà các siêu thị mini cũng chủ động tìm đến để phân phối hàng. Nhận hợp đồng với các siêu thị, việc phân phối sản phẩm bắt đầu có những thuận lợi hơn nhưng đi kèm đó là những áp lực về số lượng, chất lượng sản phẩm. Cuối 2011, khi khách hàng bắt đầu nhiều hơn thì cũng là lúc Shiokawa ngã bệnh, phải điều trị hơn một năm trời. Chàng trai đã cố gắng kiên trì vượt qua bệnh tật để sống trọn với đam mê của mình.

Trong khi bạn bè cùng khóa đại học giờ đã yên vị với nhà lầu, xe hơi cùng đời sống công nghiệp Nhật Bản, chàng trai 30 tuổi vẫn ngày ngày cặm cụi dãi nắng dầm mưa cuốc đất, làm vườn với mong muốn phát triển hơn nữa nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Ngoài việc tự sản xuất, anh còn gặp gỡ liên kết với những người nông dân để và cố gắng xây dựng hệ thống người làm nông nghiệp hữu cơ để tạo môi trường cho mọi người cùng nhau gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Hiện với 5.000 m2 đất sản xuất, mỗi ngày Shiokawa cung ứng khoảng 100 kg rau sạch các loại đến người tiêu dùng ở Việt Nam.

Rau củ hữu cơ xanh tươi, đảm bảo sạch, không thuốc trừ sâu, không phân bón hóa học. Ảnh: P.L.

8 năm liền ăn Tết Việt, nước da của anh cũng rám nắng hơn, không còn thư sinh như ngày ở Nhật nhưng anh thấy mình may mắn, không áp lực, lo toan và có phần thờ ơ với cuộc sống như đa số bạn bè. “Mình thấy hạnh phúc hơn rất nhiều vì được cười nhiều, được hòa mình giữa thiên nhiên, thực hiện lý tưởng bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe người dân”, chàng trai cười hiền.

Con đường làm nông nghiệp hữu cơ còn nhiều gian nan khó khăn nhưng chàng thanh niên 30 tuổi vẫn miệt mài để có thể đem từng bữa ăn ngon, từng bó rau sạch đến tận tay người dùng. Shiokawa không mong muốn tự mình phát triển sản xuất để kinh doanh mà ước nhiều người dân Việt Nam trồng rau sạch hơn nữa để bảo vệ sức khỏe của chính họ.

Lê Phương
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.