tháng 4 2014

Hai nông dân Karakumi đã mang mô hình trồng rau từ ngôi làng giàu nhất Nhật Bản sang áp dụng ở Đà Lạt.

Ngôi làng Karakumi, huyện Minamisaku, tỉnh Nagano nằm ở phía Tây thủ đô Tokyo được người dân Nhật gọi bằng tên “Làng thần kỳ’’. Nơi đây từng là vùng đất đai cằn cỗi, nghèo nhất nước Nhật vào thập niên 60-70 của thế kỷ 20. Chỉ nhờ trồng rau xà lách, Karakumi ngày nay được xem như ngôi làng giàu có nhất nước.

Năm 2012, ông Hironosi Tsuchiya, Giám đốc Quỹ đầu tư HT Capital tại Việt Nam sau nhiều lần lui tới Đà Lạt-Lâm Đồng, nhận thấy đây là vùng đất trù phú, khí hậu thích hợp cho canh tác rau quanh năm, nhưng nông dân thu nhập chưa cao và khá vất vả. Ông lập tức liên tưởng đến làng Karakumi, nơi có điều kiện tự nhiên, khí hậu thua xa Lâm Đồng. Mỗi năm người dân làng Karakumi chỉ canh tác được 4 tháng, 8 tháng còn lại là băng giá, nhiệt độ xuống tới âm 20 độ C, nhưng thu nhập bình quân hộ gia đình tới 250.000 USD.

Anh Takaya Hanaoka ăn thử rau tại vườn. Ảnh: Quốc Dũng


Khi về nước, ông Hironosi Tsuchiya tức tìm tới làng Kurakumi, giới thiệu về Đà Lạt, vận động nông dân tới đây trồng rau. Hai nông dân trẻ, Chủ của Công ty Lacue tại làng Karakumi là anh Masahito (34 tuổi) và anh Takaya Hanaoka (35 tuổi) đã quyết định tới Đà Lạt thăm dò tìm hiểu. Sau khi khảo sát, hai nông dân Nhật nhanh chóng hợp tác với một doanh nghiệp địa phương lập liên doanh An Phú Lacue để trồng rau xà lách tại thôn Đạ Nghịt, xã Lát, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng).

Nguyên tắc làm việc nơi đây là canh tác nghiêm ngặt theo đúng kỹ thuật như tại làng Karakumi. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phải là những nhãn hiệu cùng hãng cung cấp tại làng Karakumi, nhưng thành phần các hợp chất phải tương tự. Bất kể hóa chất nào dùng cho cây đều được đưa lên bàn cân đúng liều lượng sử dụng, hoặc thấp hơn một chút.

Anh Takaya Hanaoka cho biết, vào năm 1980, một vị trưởng làng Karakumi đã đứng lên kêu gọi người dân canh tác rau theo tiêu chuẩn chung của làng, những người vi phạm sẽ bị cấm sản xuất. Làng có hẳn một kênh truyền hình để thông tin về thị trường hàng ngày và thông qua hướng dẫn của kênh truyền hình này, kỹ thuật canh tác đảm bảo 100 hộ như một. Rau của làng Karakumi sản xuất ra có thể ăn tươi ngay tại vườn.

Đầu tháng 2/2014, công ty trồng thử nghiệm 13 loại giống rau trên diện tích 5.000 m2, trong đó chủ lực vẫn là giống xà lách Mỹ mà người làng Karakumi thường canh tác. Sau 70 ngày, vừa qua 3.000 cây xà lách Mỹ đầu tiên đã cho thu hoạch và được đưa đi chào hàng tại các siêu thị TP HCM.

Diện tích đất của công ty ở Đạ Nghịt là 13ha, hiện tại mới triển khai canh tác 8.000m2 với 15 công nhân. Sau đợt thu hoạch đầu tiên, An Phú Lacue đang tiến hành xuống giống đều đặn mỗi tuần 20.000 cây rau ăn lá các loại.
Thu hoạch rau tại AnPhu Lacue vào lúc sáng sớm. Ảnh: Quốc Dũng
Việc thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch với người Nhật là tối quan trọng, ở làng Karakumi nông dân thu hoạch xà lách từ 3h đến 6h và giữ trong kho lạnh với nhiệt độ tương đương lúc thu hoạch, cho tới lúc phân phối đến người tiêu dùng. Họ tuyệt đối không thu hoạch rau trong thời tiết nắng nóng hay bất kể thời điểm nào khác trong ngày. Hiện AnPhu Lacue cũng đang áp dụng quy định này. Rau xà lách sau khi thu họạch được vận chuyển bằng xe lạnh về điểm sơ chế, tại đây những thùng rau xà lách còn được hút chân không và cho vào kho lạnh giữ nguyên nhiệt độ cho tới lúc rau ra tới siêu thị.

Tại trang trại AnPhu Lacue, hai nông dân người Nhật sử dụng thành thạo các loại nông cơ, nông cụ, nhưng ngoài việc xử lý trực tiếp, họ còn có hẳn một phầm mềm máy tính để quản lý‎ đồng ruộng. Loại giống nào, trồng bao nhiêu cây, trên bao nhiêu luống, lượng phân bón cho từng loại, từng luống rất chi tiết, rõ ràng đến mức một nhân viên văn phòng cũng có thể nắm rõ và hình dung thực tế từng đám rau.

Ông Takaya Hanaoca, Giám đốc AnPhu Lacue cho biết, nếu sản xuất thành công sẽ tính tới xuất khẩu qua Singapore và về Nhật. Hiện mỗi cây xà lách Mỹ của AnPhu Lacue bán cho siêu thị ở Việt Nam trên 20.000 đồng, mức bán lẻ mà siêu thị để bảng là trên 30.000 đồng. Ông Takaya cho rằng, mức giá này chưa phù hợp với đại bộ phận người tiêu dùng Việt Nam. Một cây xà lách Mỹ tại siêu thị ở Nhật cũng chỉ có giá 2,5 USD, tương đương 50.000 đồng Việt Nam.

Tuy chưa tính tới việc hợp tác sản xuất rau xà lách với nông dân Đà Lạt, nhưng theo ông Takaya Hanaoca, họ sẵn sàng chuyển giao tất cả kỹ thuật và quy trình canh tác. Trong tương lai sẽ có chương trình đưa nông dân Đà Lạt tới học tập sản xuất tại làng Karakumi ở Nhật. Ngoài kỹ thuật canh tác, hai ông chủ người Nhật đang trồng rau tại Đà Lạt muốn nông dân Việt Nam học tập tinh thần của người Nhật trong sản xuất kinh doanh. Theo họ, làng Karakumi được người Nhật gọi là “Làng thần kỳ’’ cũng chính nhờ sự nghiêm ngặt, nghiêm túc trong công việc.

Quốc Dũng

“Những kỹ năng của những lực lượng quân đội đặc biệt luôn là bí ẩn của nhiều người và cũng là những bài học tuyệt vời trong cuộc sống cũng như trong công tác điều hành doanh nghiệp.” – Jeff Bezos, Giám đốc điều hành Amazon.com"

SEAL, đội đặc nhiệm của Hải quân Hoa Kỳ luôn đảm nhận những trách nhiệm khó khăn nhất một cách liên tục với sứ mệnh “không được phép thất bại”.

Brad Woodard, Giám đốc điều hành đặc biệt SEAL chia sẻ, lãnh đạo lực lượng này là một trong những công việc khắc nghiệt nhất thế giới.

Trong quyển sách có tựa đề “No Easy Day” (tạm dịch là Không Một Ngày Dễ Dàng) cho rằng, những thói quen được huấn luyện cho các binh sĩ SEAL trong các môi trường sống còn sẽ là những bài học quý báu cho các nhà lãnh đạo, cho các cấp quản lý doanh nghiệp.



Sau đây là 7 thói quan của binh sĩ SEAL mà mọi người nên học tập.

1. Trung thành

Trung thành với đồng đội, với tổ chức dường như là một triết lý đang chết dần trong môi trường doanh nghiệp hiện nay. Sự trung thành phải bắt đầu từ các cấp lãnh đạo cao nhất. Nếu giám đốc điều hành thiếu tính cách này thì làm sao những người khác có thể noi theo và thực hiện được? Phát triển lòng trung thành phải bằng những hành động và những tấm gương thực tiễn. Đó là sự giúp đỡ đồng nghiệp hay đội ngũ nhân viên một cách vô điều kiện. Đừng bao giờ đẩy người khác vào những hoàn cảnh nguy hiểm.

2. Đặt người khác trước chính mình

Hãy thức dậy mỗi ngày với câu hỏi, mình cần làm gì để tăng thêm giá trị cho nhóm, cho đội ngũ hay cho công ty? Hãy suy nghĩ đến những điều bạn cần hỗ trợ để mọi người thực hiện công việc. Hãy khắc phục sự sợ hãi rằng mình sẽ bị thiệt thòi khi tập trung nguồn lực của chính mình để giúp đỡ người khác. Vì khi bạn xây dựng được văn hoá này, sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người khác.

3. Hãy suy nghĩ thấu đáo

Hãy suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động vì nó có thể quyết định đến sinh mạng hay tiền bạc của bạn. Nếu trong tổ chức của bạn xuất hiện những nhân sự có tố chất này, hãy suy nghĩ làm thế nào để khai thác tài năng này cho một điều gì đó có giá trị cao hơn. Suy nghĩ thấu đáo sẽ giúp bạn “ khi ra tay sẽ hiệu quả”.

4. Luôn ám ảnh đội ngũ một cách có tổ chức

Một số người trong chúng ta có tố chất trên một cách bẫm sinh, nhưng nhiều người khác phải rèn luyện và cố gắng để có được kỹ năng này. Tổ chức luôn có hàng loạt mục tiêu để hoàn thành và liên tục xuất hiện những nhiệm vụ mới. Một vài người sắp xếp các mục tiêu (những nỗi ám ảnh) thành một danh sách cần thực hiện rồi “căng” mình hoàn thành từng thử thách một và cuối cùng họ có cảm giác tuyệt vời của một người hoàn thành sứ mệnh. Bất cứ thử thách là gì, hãy giúp đồng đội hoàn thành từng cái một.

5. Hãy nhớ rằng, bạn không bao giờ biết hết mọi điều

Một người lãnh đạo hiệu quả luôn biết rằng, nhiệm vụ huấn luyện là không bao giờ hoàn thành, nó là một quá trình diễn ra liên tục. Đó là điều có thật trong lực lượng SEAL ưu tú. Bất cứ người nào cho mình biết hết mọi điều đều bị loại bỏ. Mọi người đều được khuyến kích liên tục trải nghiệm những thử thách bên trong và bên ngoài lực lượng để phát triển kỹ năng và là động lực cho sự tiến bộ.

6. Hãy là người chi tiết có định hướng

Chú ý đến chi tiết là một trong những giá trị đặc thù của SEAL và cần có trong mọi tổ chức. Không phải lúc nào chúng ta cũng đúng, mỗi sự kiện thuộc về những hoàn cảnh khác nhau và dĩ nhiên có những chi tiết của riêng nó. Tuy nhiên nếu cả đội bị ám anh bởi rất nhiều chi tiết không có định hướng sẽ dễ ảnh hưởng đến sự tập trung và giảm hiệu quả hành động. Để có được sự định hướng này, thì điều đầu tiên là không nên đặt câu hỏi nên làm gì mà hãy suy nghĩ làm thế nào để thực hiện mục tiêu. Nên nhớ, hãy suy nghĩ thấu đáo.

7. Đừng bao giờ chấp nhận sự thoải mái

Hãy “nhảy” ra khỏi khu vực thoải mái của bạn vì khi bạn liên tục thực hiện điều này, ranh giới của bạn ngày càng mở rộng. Trong môi trường doanh nghiệp, nếu bạn liên tục thực hiện điều này, có nghĩa bạn đang tối đa hoá tiềm năng của đội ngũ và của chính bản thân mình. Bạn sẽ tự hỏi, vậy làm thế nào để có cuộc sống thoải mái nếu liên tục giữ thói quen này? Nhưng thử thách luôn có vẻ đẹp của riêng nó. Một khi bạn thích những gì mình làm, thói quen này trở thành tự nhiên, bạn sẽ thấy luôn chủ động trong cuộc sống và đó là điều thoải mái nhất bạn nhận được vì cuộc sống vốn luôn chuyển động. Hãy duy trì thói quen và khuyến khích các thành viên khác trong tổ chức thực hiện nó.

ST


Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.