Doanh nghiệp nhỏ tìm lợi nhuận ở thị trường ngách

Quy mô vốn nhỏ, khó cạnh tranh với các thương hiệu lớn, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang chọn hướng đi vào những thị trường hẹp để tồn tại.

Sau thời gian dài làm việc tại một số công trình xây dựng lớn của nhà đầu tư nước ngoài, năm 2011, anh Nguyễn Văn Hoàng (Hà Nội) quyết định thành lập công ty Decobox, chuyên về nội thất để kinh doanh độc lập. Doanh nghiệp non trẻ, lại thành lập đúng thời điểm kinh tế khó khăn, khi thị trường bị nhiều thương hiệu lớn từ nước ngoài chiếm lĩnh. Để duy trì hoạt động của công ty, vị lãnh đạo trẻ mất khá nhiều thời gian, công sức và tiền bạc xoay sở.

Không ít doanh nghiệp quy mô nhỏ đã thành công khi tận dụng thị trường nhỏ, hẹp mà các thương hiệu lớn bỏ qua.

Dù biết bán lẻ là cách dễ kiếm lợi nhuận trong ngành nội thất nhưng do hạn hẹp về vốn thuê mặt bằng, anh Hoàng thử kinh doanh online để tiết kiệm tối đa chi phí. Qua khảo sát thị trường, chủ doanh nghiệp này nhận thấy hầu hết các sản phẩm nội thất khi đó được làm sẵn và sản xuất hàng loạt nên có nhiều chi tiết chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng.

"Tận dụng xưởng sẵn có và của đối tác, mình bắt đầu nhận đặt thiết kế, lắp đặt theo yêu cầu nên gần như chi phí vốn không tốn kém nhiều", anh chia sẻ. Thời điểm đó, các mẫu mã bàn ghế, sofa, kệ, đồ trang trí theo phong cách Hàn Quốc được rất nhiều gia đình trẻ ưa chuộng. Đối tượng khách hàng trong độ tuổi từ 20-40, vì thế được vị giám đốc sinh năm 1982 này khoanh vùng phục vụ.

"Hầu hết với khách hàng trong độ tuổi này thu nhập chưa cao nên luôn có nhu cầu mua một sản phẩm vừa tiền nhưng phải tiện dụng. Vì vậy, trong mỗi sản phẩm, công ty luôn cố gắng đáp ứng mức cao nhất sở thích của họ" anh nói. Chính vậy mà từ một số đồ dùng nhỏ lẻ bán khá chạy trên internet, sau 4 tháng triển khai thử nghiệm, anh đã có đơn hàng thiết kế trọn gói cho một hộ gia đình với tổng giá trị khoảng 700 triệu đồng. Đến nay, thương hiệu nội thất của anh là một trong những mặt hàng khá hút khách hàng trẻ tuổi trên fanpage cũng như một số kênh mua sắm trực tuyến.

Vốn là doanh nghiệp xây dựng tại một tỉnh miền núi phía Bắc, từ việc trúng thầu thi công một dự án kè bờ sông Kim Ngưu tại huyện Thanh Trì (Hà Nội), ông Mai Xuân Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Long (Hà Giang) quyết định "hạ sơn". Hăm hở triển khai dự án nhưng sau gần một năm, dù doanh nghiệp phải ứng ra ngót nghét cả tỷ đồng, công trình vẫn không được chủ đầu tư giải ngân vốn đúng kế hoạch. Không thể bỏ tiền túi vào công trình dở dang, ông đành chạy vạy, vay vốn từ nhiều mối quen để đấu thầu thêm một số dự án giao thông nông thôn khu vực ngoại thành.

"Khi đó thậm chí vài chục mét cống rãnh trị giá 20-30 triệu đồng mình cũng nhận làm", ông nói. Điều này khiến đối tác tin tưởng và giúp ông có thêm một số dự án quy mô vừa vừa tại địa phương. Sau hơn 2 năm gắn bó với các dự án dân sinh tại vùng nông thôn đến thời điểm này công ty đã trúng thầu xây dựng thêm 2 trường học giá trị trên 10 tỷ đồng tại huyện Quốc Oai. Các dự án to, nhỏ cứ liên tiếp gối đầu nhau đã giúp ông không chỉ đảm bảo mức lương từ 5-8 triệu đồng một tháng cho hơn 10 nhân viên và một đội công nhân mà còn tích lũy được vốn lưu động để thực hiện các dự án khác.

Tuy chỉ là các dự án nhỏ ven đô khác xa với những công trình hàng chục tỷ mà đơn vị đã từng thi công trước đó, song không phải vì thế mà vị lãnh đạo doanh nghiệp này không thấy nản lòng. "Trong khi không ít doanh nghiệp lớn sống lay lắt nhìn các dự án đắp chiếu, máy móc thiết bị để hoen rỉ ít nhất mình vẫn duy trì được việc làm cho công nhân lao động. Đó là thành công lớn rồi", ông tự an ủi. Trước mắt, với ông Tùng các công trình xây dựng tại khu vực nông thôn sẽ là định hướng chính của doanh nghiệp trong thời gian này. "Dự án quy mô nhỏ nhưng tiền tươi thóc thật, chứ với các dự án lớn mà phải đợi giải ngân vốn vài năm trời thì doanh nghiệp chỉ có nước chết", ông bộc bạch.

Tuy không chịu áp lực về vốn nhưng khi chia sẻ thêm về những khó khăn của mình, anh Hoàng cho hay để mở rộng thêm đối tượng khách hàng có thu nhập hoặc gia tăng một số sản phẩm nội thất cao cấp thì với doanh nghiệp nhỏ như Decobox rất khó cạnh tranh bởi các thương hiệu lớn đã định vị thị trường từ trước.

Ngoài ra, khi kinh tế còn khó khăn, thu nhập của người dân còn hạn chế với những sản phẩm đắt tiền từ một thương hiệu mới, gần như doanh nghiệp không thể bán được hàng. "Nhưng khi biết tận dụng khe hở của mà các thương hiệu lớn bỏ qua hoặc tìm được hướng đi phù hợp với năng lực và điều kiện chắc chắn sẽ có lối ra cho mỗi doanh nghiệp nhỏ", vị này tự tin.

Rất đồng tình vì cũng từng rơi vào cảnh tương tự thậm chí có thời điểm chủ cơ sở gia công hàng may mặc tại Văn Lâm (Hưng Yên), chị Lê Thị Cúc "tưởng phải đóng cửa xưởng đến nơi" vì lượng hàng đặt của đối tác giảm nhanh chóng. Chị cho biết nguyên nhân là do hàng gia công trong nước không thể cạnh tranh với hàng Trung Quốc nhái hàng xuất khẩu giá rẻ tràn lan thị trường suốt thời gian dài.

Để giữ chân các thợ may giỏi, ngoài việc thu hẹp quy mô, tiết giảm chi phí chủ cơ sở may này đã nhận thêm việc may đo quần áo theo catalogue của các hãng thời trang nổi tiếng vốn được nhiều khách hàng phụ nữ ưa thích."Công suất may tuy thấp nhưng bù lại giá trị một sản phẩm lại cao nên cũng phần nào giúp duy trì được xưởng ít nhất đến thời điểm này", chị nói.

Chia sẻ với VnExpress, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm cho biết nền kinh tế đang có nhiều dấu hiệu tích cực, song không phải vì thế mà các doanh nghiệp tư nhân đã bớt khó khăn. Ông thừa nhận những bất lợi về chính sách cũng như chi phí vốn khiến đối tượng doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn đang yếu thế cạnh tranh trên thị trường hiện nay. "Trong khi không ít doanh nghiệp phải giải thể, phá sản... có những đơn vị biết cách vươn lên chọn hướng đi riêng cho mình, điều đó cho thấy họ đã đánh giá đúng năng lực bản thân và nắm rõ nhu cầu thị trường", ông nói.

Ông Kiêm cho biết tới đây Chính phủ sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển đối với doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, theo vị Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay vì trông chờ sự hà hơi tiếp sức, bản thân mỗi đơn vị cần tự nâng cao sức cạnh tranh bằng việc đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực, cắt giảm chi phí để giảm giá thành. "Từ việc thay đổi nội tại nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt và vận dụng các cơ hội mà các doanh nghiệp lớn bỏ qua sẽ là hướng đi đúng mà không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa đã và đang thành công", ông nói.

Trịnh Nguyên

Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.