tháng 8 2015

Vì sao chỉ mới Starbucks phát hiện được tiềm năng của cà phê Đà Lạt?
Giấc mơ mang lại vị thế cao hơn trên thị trường thế giới cho hạt cà phê Việt vừa đạt được một bước tiến mới. Hãng Starbucks cho biết sẽ mang cà phê Arabica được trồng ở Đà Lạt bán trong hệ thống hơn 21.500 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có thị trường Mỹ.

Thông tin này thật sự mang đến một tâm lí hứng khởi cho ngành cà phê Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh đến 33,9% về khối lượng và 33,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.

Theo Starbucks, chất lượng cà phê Arabica của Đà Lạt khá hoàn hảo với vị chua nhẹ dịu, thích hợp gu thưởng thức của khách hàng. Giá của mỗi ký cà phê Đà Lạt đã đóng gói tại các cửa hàng của Starbucks sẽ không hề rẻ, lên đến gần 50 USD/gói. Trước hạt cà phê Đà Lạt, Starbucks mới chỉ chọn 6 địa điểm làm nhà cung cấp cà phê Arabica cho chuỗi cửa hàng của họ, bao gồm Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.

Cà Phê Đà Lạt được bày bán trong các cửa hàng của Starbucks. Ảnh: Starbucks.

Ðằng sau hành động mang cà phê Việt ra thế giới của Starbucks cũng có thể là những ẩn ý khôn ngoan trong quảng bá thương hiệu cho chính họ, cũng như thu hút thêm sự quan tâm của hơn 90 triệu dân ở một thị trường mà Starbucks chỉ mới đặt chân vào. Tính đến đầu năm 2015, hệ thống cửa hàng của Starbucks tại Việt Nam mới có 8 cửa hàng ở TP.HCM và 4 cửa hàng ở Hà Nội.

Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, với sản lượng khoảng 25 triệu bao vào năm ngoái. Nhưng sản phẩm cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu là cà phê rang xay, có chất lượng thấp. Thậm chí một số sản phẩm có pha lẫn nhiều tạp chất, bẩn và có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế, lợi nhuận và giá trị thương hiệu mang lại cho ngành cà phê trong nước thực tế vẫn chưa lớn. Đây là bài toán nan giải cho ngành này, dù Việt Nam may mắn sở hữu những điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng để phát triển cà phê.

Ðể một ngành có thể phát triển thịnh vượng, mỗi quốc gia đều phải có những doanh nghiệp quy mô lớn và có đủ sức lãnh đạo. Nhưng trong lúc này, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam vẫn làm ăn không hiệu quả. Các doanh nghiệp lớn trong nước như Intimex, Tín Nghĩa, 2/9 Đắk Lắk thì chủ yếu chỉ mới dừng lại ở khâu xuất khẩu thô cho các đối tác nước ngoài. Việc gầy dựng thương hiệu cho cà phê Việt dường như bị xem nhẹ.

Năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch của Trung Nguyên từng tuyên bố muốn xây dựng hệ thống cửa hàng để bán cà phê có chất lượng cao tại Mỹ, thánh địa của Starbucks. Để có vốn tài trợ cho chiến lược này, Trung Nguyên dự kiến sẽ bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, sau hơn 2 năm công bố, chiến lược này vẫn im hơi lặng tiếng dù đã có một số sản phẩm như cà phê hòa tan G7 vào được các siêu thị tại Mỹ.


Tham vọng đưa cà phê Việt ra nước ngoài, nhưng kế hoạch của Trung Nguyên, PhinDeli và Passio đều chưa thành hiện thực.

Một doanh nhân nổi tiếng khác là ông Phạm Đình Nguyên, người Việt đầu tiên chi ra cả triệu USD để mua lại một thị trấn của Mỹ, cũng từng bày tỏ giấc mơ mang cà phê Việt đến quốc gia này. Ông có kế hoạch sẽ bán cổ phần trong công ty PhinDeli của mình cho tập đoàn Kinh Ðô để hợp tác phân phối các sản phẩm cà phê rang và hòa tan vào Mỹ. Nhưng thương vụ này cuối cùng đã không thể diễn ra như mong đợi. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng mang thương hiệu PhinDeli ra thế giới của vị doanh nhân này.

Một doanh nghiệp khác là Passio cũng có tham vọng mang thương hiệu cà phê Việt ra nước ngoài, điển hình là kế hoạch tấn công thị trường Trung Quốc vào năm 2014. Nhưng đến nay, điều này vẫn chưa thể diễn ra khi ông chủ của chuỗi cà phê này vẫn đang quá bận rộn với thị trường cạnh tranh khắc nghiệt trong nước.

Có lẽ thực tế luôn có khác biệt lớn so với lý thuyết. Việc xây dựng một thương hiệu cho cà phê Việt thật sự không hề đơn giản, đòi hỏi sự cải tổ lớn theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng cho tất cả các khâu sản xuất và kinh doanh của ngành. Điểm yếu của hầu hết các doanh nghiệp cà phê trong nước là đến nay, họ chỉ mới chú trọng đến các khâu cuối cùng trong chuỗi kinh doanh mà quên mất những khâu quan trọng đầu tiên. Ðây lại là điều mà các tập đoàn lớn nước ngoài có thừa kinh nghiệm để nhận ra.

Khu vực cao nguyên Đà Lạt với khí hậu mát mẻ, cao hơn 1.200m so với mực nước biển, với đất đỏ bazan được đánh giá là môi trường phù hợp để trồng cà phê. Nhưng vì sao chỉ mới Starbucks phát hiện được tiềm năng của cà phê Đà Lạt?

Hành động thiết thực cũng là cách làm của các doanh nghiệp ngoại. Mới đây, một tập đoàn nước ngoài khác là Nestlé đã cử chuyên gia Thụy Sĩ đến Tây Nguyên để hướng dẫn cho hàng chục ngàn nông dân các kĩ thuật cải thiện chất lượng hạt cà phê và tăng năng suất mùa vụ.

“Trong dài hạn, việc đào tạo cho các nông dân sẽ mang lại lợi ích cho họ và Nestlé, bởi sẽ giúp chúng tôi mua được các sản phẩm có chất lượng cao”, Ganesan Ampalavanar, Giám đốc Ðiều hành Nestlé Việt Nam, nói.

Năm ngoái, hãng này đã mua hơn 20% trong sản lượng 1,7 tấn hạt cà phê Việt Nam sản xuất được. Từ nguồn nguyên liệu cà phê, họ đã tinh chế và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn ra thế giới rồi thu được lợi nhuận không hề nhỏ. Nhưng thực tế này khiến không ít người trăn trở rằng liệu giữa doanh nghiệp nội và ngoại, ai mới là nhà lãnh đạo ngành cà phê Việt Nam.

Vincent Marotta Sr., người được xem là “cha đẻ” của chiếc máy pha cà phê nổi tiếng Mr. Coffee, vừa mới qua đời tại tư gia của mình ở Pepper Pike, Ohio, hưởng thọ 91 tuổi.

Là một trong những chiếc máy pha cà phê tự động đầu tiên được thiết kế cho các hộ gia đình, Mr. Coffee chính thức được giới thiệu với công chúng vào năm 1972. Đứa con tinh thần này được ông Marotta, khi ấy là một nhân viên bất động sản, và đối tác của mình, Samuel Glazer, dự định dùng để thay thế cho loại máy pha cà phê đang được sử dụng khá rộng rãi nhưng lại hay gặp trục trặc vào thời điểm đó.

Ngay lập tức, Mr. Coffee trở thành hàng “hot” trên thị trường. Theo tạp chí Forbes, tính đến năm 1979, chiếc máy này đã mang về doanh số hơn 150 triệu USD/năm cho công ty sản xuất ra nó và chiếm ít nhất 50% thị phần, bỏ xa các đối thủ khi đó là Norelco, General Electric và Proctor-Silex.

Phần lớn thành công của chiếc máy này được cho là nhờ vào mẩu quảng cáo gắn liền với tên tuổi của vận động viên bóng chày nổi tiếng Joe DiMaggio. Và chính Marotta là người đã tuyển dụng Joe DiMaggio vì bản thân ông cũng là một cựu vận động viên chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dù không nói ra nhưng ai cũng biết ông Marotta rất biết ơn người vợ của mình, vì nếu như ông thích cà phê của bà pha hơn thì có thể chiếc máy huyền thoại đó đã... không ra đời.

Là con trai của Calogero Marotta và Josephine Mirabella, vốn là dân nhập cư từ Ý, Vincent George Marotta được sinh vào ngày 22 tháng 2 năm 1924 — cũng là ngày sinh nhật của tổng thống Washington nên ông mới có tên lót là George. Cha ông, khi sang Mỹ được gọi là Charles, là một người buôn bán than.

Với tài năng thể thao của mình, Vincent Marotta được kí hợp đồng với đội Cardinals ngay sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, chiến tranh thế giới lần thứ hai đã làm gián đoạn sự nghiệp của ông. Sau khi giải ngũ, ông lấy bằng cử nhân lịch sử tại đại học Mount Union ở Alliance, Ohio.

Vào năm 1948, Marotta được cả hai đội New York Giants và Cleveland Browns mời về chơi cho họ. Tuy nhiên, ông chỉ chơi cho Cleveland Browns trong một khoảng thời gian trước khi bước vào lĩnh vực kinh doanh nhà đất và trung tâm mua sắm với Glazer, một người bạn từ thời trung học.

Năm 1968, sau đợt siết chặt tín dụng, thị trường bất động sản Mỹ trở nên khó khăn hơn. Marotta khi ấy tự hỏi liệu mình có thể làm chuyện gì khác để sinh sống không. Thế là ông quay sang lĩnh vực cà phê, và đặc biệt chú ý tới loại máy pha cà phê đang có trên thị trường lúc đó.

So với lần đầu tiên xuất hiện ở thế kỉ 19, chiếc máy pha cà phê khi ấy chỉ thay đổi chút ít. Nó hoạt động bằng cách đẩy nước sôi hoặc gần sôi qua một chiếc giỏ kim loại được đục lỗ chứa bột cà phê. Thông qua cái tay nắm bằng pha lê trên nắp, người dùng có thể nhìn vào trong để thấy cà phê ngày càng trở nên đen hơn, và đó cũng là điều “hấp dẫn” duy nhất của chiếc máy này với những người yêu thích cà phê.

Rủi thay vào thời điểm đó không còn sự thay thế nào khác cho chiếc máy ấy ngoài cà phê uống liền. Do vậy, với Marotta, tạo ra được một bản sao về tốc độ và chất lượng của những chiếc máy pha cà phê ở các nhà hàng cho thị trường hộ gia đình trở thành một ước muốn mãnh liệt.

Thế là Marotta và Glazer thuê thêm hai cựu kĩ sư của Westinghouse, Edmund Abel và Erwin Schulze. Họ thiết kế một chiếc máy hoạt động được bằng cách chỉ cần nung nước đến 200 độ F và làm cho nước chảy xuống qua một túi lọc bằng giấy chứa đầy bột cà phê, rồi đổ vào bình chứa bằng thủy tinh được đun nóng.

Mặc dù giá bán lẻ ban đầu của Mr. Coffee khi ấy là 39,99 USD (khoảng 226 USD ngày nay) – gấp 4 lần so với chiếc máy pha cà phê đang có thời ấy – nhưng người tiêu dùng vẫn chen chân nhau mua nó. Tính đến năm 1975, công ty sản xuất ra nó là North American Systems đã bán được hơn một triệu chiếc.

Marotta là chủ tịch đồng thời là CEO của công ty từ lúc thành lập cho đến mãi năm 1987, thời điểm mà nó được bán lại cho một công ty chứng khoán với giá 82 triệu USD. Ngày nay, Mr. Coffee là thương hiệu của Jarden Consumer Solutions, công ty đang sỡ hữu các thương hiệu nổi tiếng khác như Sunbeam, Oster và Crock-Pot.

Những năm sau đó, Marotta tập trung vào bất động sản và làm từ thiện. Người bạn đối tác của ông năm xưa, Glazer, cũng mới mất vào năm 2012.

Ngoài Susan Parente, cô con gái luôn có mặt trong những giây phút cuối cùng của ông, ông còn có hai con gái khác, Mary Marotta, Jane Marotta, ba con trai, Charles, Timothy Sr., Vincent Jr. và 11 đứa cháu.

Trong suốt cuộc đời đầy nhiệt huyết của mình, có một điều mà Marotta đã không thể thay đổi được – mặc dù là tên tuổi gắn liền với sự thành công của chiếc máy Mr Coffee suốt hơn một thập kỉ nhưng Joe DiMaggio hiếm khi nào uống cà phê vì ông bị loét bao tử kinh niên, và khi nào muốn “nuông chiều” bản thân một chút thì ông cũng chỉ dùng một ly Sanka (một loại cà phê uống liền không có chất caffeine).

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.