Doanh nhân Hồ Quang Minh: Người đứng đầu phải là người “phục vụ”

Đó chính là quan điểm trong vai trò lãnh đạo của doanh nhân Hồ Quang Minh. Và cũng theo người đồng sáng lập Business Network International (BNI), Chủ tịch - TGĐ BNI Việt Nam, khi bạn luôn có tư duy tích cực, nghĩ đến việc “cho trước, nhận sau”, cùng giúp nhau nâng cao lòng tin và sự cam kết thì đó cũng là chìa khóa không chỉ giúp bạn thành công, mà còn là điều quan trọng để giúp chính doanh nghiệp của bạn thành công...

BNI chỉ phù hợp với một số người


Để mang về Việt Nam mô hình BNI thành công như hiện tại hẳn ông cũng gặp không ít những khó khăn và hoài nghi về mọi thứ. Tôi muốn biết cách của ông đã vượt qua khoảng thời gian “nghi ngại" đó như thế nào ?

Với tôi, cách duy nhất để vượt qua đó là phải... chứng minh. Tôi buộc phải cho mọi người thấy có một nhóm doanh nhân làm việc thật sự hiệu quả. Để có được điều này, tôi phải bỏ nhiều thời gian chăm sóc họ ngay từ đầu. Tôi luôn tin rằng, khi một ai đó đến với BNI thì họ sẽ học được những điều mới mẻ cho việc quản trị doanh nghiệp và có thêm cơ hội kinh doanh cũng như các mối quan hệ tin cậy. Và tôi đã chứng minh được. Vì vậy đến giờ này, BNI đã có 40 chapter, hơn 1400 chủ doanh nghiệp tham gia trên 7 tỉnh/thành cả nước.

BNI là một hệ thống hoạt động thành công dựa trên con người, mà đã là con người thì tâm lý của họ rất khó nắm bắt. Như vậy, ông phải có “bí quyết” hay “công thức” riêng của mình để “nắm bắt” những người tài đó?

Câu hỏi này rất hay. Thật ra, rất khó để xây dựng nên một cái “cầu vồng” với những màu sắc khác nhau như vậy. Tuy nhiên, “công thức” đó chỉ đơn giản xuất phát từ những người có sự cam kết. Để làm được điều này trước tiên phải nói đến hiệu quả của tổ chức cũng như BNI mang lại cho họ. Thứ hai, chúng tôi luôn chủ động về việc huấn luyện chủ đạo, làm công tác tư tưởng và truyền thông thường xuyên cho họ. Kế đến là tuyển đầu vào đáp ứng được những yêu cầu và có thái độ đúng với sân chơi mà mọi người tham gia. Người ta nói rằng, BNI rất hay nhưng nó không phù hợp cho tất cả mọi người mà chỉ phù hợp cho một số người. Ngày nay, mọi người không công nhận việc quản lý con người nữa, nếu một tổ chức hay công ty muốn thành công, người lãnh đạo chỉ nên quản lý hệ thống và tạo nên tính sở hữu cho mọi người.

Doanh nhân thường là những nhân vật có cái TÔI rất lớn. Ông là một thủ lĩnh, có nghĩa là, cái TÔI của ông hẳn phải “lớn” hơn họ?

Tôi nghĩ, để đảm bảo được cái TÔI của người khác thì cái TA phải có sự công nhận nhất định và chứng minh qua những số liệu cụ thể. Nhưng nói cái TÔI lớn hơn thì tôi không nghĩ thế. Người đứng đầu nhất định phải là người khiêm tốn và là người... “phục vụ” không hơn không kém. Đúng là vị trí của tôi là đứng đầu nhưng cũng có nghĩa là tôi phải là người đứng đầu trong vấn đề phục vụ.
Khi bạn đưa về một hệ thống lãnh đạo, thì hãy để mọi người cảm nhận vị trí lãnh đạo chỉ là một cấp bậc thấp nhất trong hàng lãnh đạo. Ai ý thức được việc đó họ sẽ phục vụ người khác bằng những việc làm cụ thể và được mọi người công nhận.

Có câu nói, “Người tài là người phải đứng được trên vai của người tài”, quan điểm này có đúng với vai trò của ông hiện tại?

Đúng! Nhưng tôi nghĩ, không ai có quyền “đứng trên” ai hết. Hãy chứng minh anh là người mang lại giá trị cho người khác thì lúc đó anh sẽ gây ảnh hưởng. “Đứng trên vai” nghĩa là mình dẫn dắt người khác, cùng đi với họ. Khi họ “lắng nghe và đi theo” thì hình tượng đó đẹp đẽ hơn “người này đứng trên vai người khác”.

Vậy trong quá trình lãnh đạo đã từng có ai không lắng nghe và họ chỉ muốn “rẽ trái” với sự hướng dẫn của ông không?

Cũng có. Một số anh em nghĩ rằng BNI tại sao lại cứng nhắc với hệ thống như vậy? Một số người lại nghĩ rằng họ sáng tạo hơn và trung thành với “sự sáng tạo” đó. Đã có một số anh em “rẽ trái” nhưng đã... bị lạc. Sau đó họ đã quay lại BNI. BNI không cứng nhắc mà cải tiến hàng năm thông qua trải nghiệm thành công rất thực tế trên 54 quốc gia.

Nói vậy không có nghĩa là BNI không có mặt hạn chế, thưa ông?

Hạn chế của chúng tôi trong 2 - 3 năm qua là nhu cầu của doanh nhân tham gia vào BNI khá lớn. Khi phát triển nhanh thì khó chủ động kiểm soát được yêu cầu, chất lượng đầu vào. Đến khi họ gia nhập sẽ gặp những kết quả không tốt. Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy được điều này nên đã nhanh chóng đưa việc huấn luyện vào để họ ý thức hơn, định hướng rõ và kiểm soát chặt hơn đầu vào để đảm bảo nhận đúng người vào và đem lại hiệu quả cho họ.

Tạm gọi sự kỳ vọng của ông về mức độ thành công của BNI là 100%. Trong giai đoạn này, ước muốn của ông đã đạt được bao nhiêu phần trăm?

Hơn 90%, còn về nhu cầu của người tham gia thì cao hơn 100%.

“Ngày nay, mọi người không công nhận việc quản lý con người nữa, nếu một tổ chức hay công ty muốn thành công, người lãnh đạo chỉ nên quản lý hệ thống và tạo nên tính sở hữu cho mọi người.”

Đó là sự khác biệt

BNI có một nguyên tắc khá... “quân đội”. Lịch sinh hoạt như thế đã khiến nhiều “chiến sĩ” bỏ cuộc?

Vâng! Và đó là sự khác biệt. Điều này sẽ sàng lọc những người muốn đạt được ước muốn đến để mở rộng mối quan hệ hoặc thêm cơ hội kinh doanh. Và đó cũng là sự khác biệt để... phân biệt giữa người này với người khác. Tôi rất vui khi có nhiều anh chị doanh nghiệp chia sẻ từ lúc tham gia BNI đã “thay đổi cuộc đời”. Họ nói, từ trước đến nay họ là chủ, đến công ty bao giờ cũng sau nhân viên. Nhưng giờ họ đã trở nên gương mẫu hơn, thay đổi lịch sinh hoạt của họ sớm hơn. Vì thế, giờ đây họ đang là một trong những người bán hàng giỏi nhất, mang lại doanh số cao nhất trong công ty đấy!

Thú vị chứ, khi người lãnh đạo làm gương cho tất cả nhân viên khác bằng việc... dậy sớm hơn để dẫn dắt mọi người. Thấy “sếp” thế thì nhân viên nào chẳng phải cố gắng... đi theo.(cười)

Tôi còn nghe thấy một số anh em tại đây nói rằng họ “đã nghiện” BNI. Ông đã tiêm chất “gây nghiện” gì vào họ vậy?

Ồ, tôi nghĩ bản thân chất “gây nghiện” này chính là sự kết nối của mọi người, năng lượng của nhiều người truyền cho một người. Sự gắn kết bền vững đó là do hàng tuần họ có cơ hội gặp nhau. Họ được biết người này người kia, trở nên thân thiết và không thể tách rời được. Đấy, họ đến để nuôi trồng, chăm sóc các mối quan hệ của mình. Bằng cách đó, họ đã phải đi sớm, đúng giờ, kỷ luật, cam kết với mọi người. Và thường những người này sẽ là người bán hàng rất giỏi.

Và điều đó khiến cho ông rất quán triệt trong quan điểm kinh doanh: “nuôi trồng” chứ không phải “săn bắn”?

Đúng vậy! Một trong những triết lý đầu tiên của BNI là “Cho là nhận”, thứ hai là “Nuôi trồng không săn bắn”. Mặc dù BNI là nơi mọi người giúp nhau mở rộng mối quan hệ, giúp nhau bán hàng nhưng không phải là “bán xổi, mua thì” mà đến đây để cùng chăm sóc mối quan hệ bằng những hành vi, hành động, lời nói... Hãy để họ biết, tin và thích mình thì người ta sẽ đi bán hàng cho mình.

Tôi thấy những người thành công bao giờ họ cũng có “sự khác biệt”. Ông nhìn nhận thế nào về ba chữ “sự -khác -biệt” tưởng chừng rất đơn giản này?

Làm ăn bây giờ buộc tất cả các ngành nghề đều phải xác định cho mình sự khác biệt. Muốn có sự khác biệt trước tiên họ phải nhìn lại chính bản thân, giá trị của đời mình là gì! Thành lập công ty phải biết phát triển con người chứ không phải là phát triển doanh nghiệp. Nhiều người mở công ty ra, họ quan niệm bằng mọi cách phải phát triển doanh số nhưng họ quên mất sự phát triển con người. Ở BNI, chúng tôi có cách giúp cho mọi người tìm kiếm sự khác biệt của mình.

Bán hàng không hưởng... hoa hồng

Theo những gì ông chia sẻ thì với thời buổi kinh tế hiện nay, gia nhập BNI là giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp?

Không sai. Chứng minh trên toàn thế giới, khi kinh tế càng khó khăn thì doanh nghiệp gia nhập BNI càng nhiều hơn. Lý do, khi gia nhập, doanh nghiệp sẽ cắt giảm hết mọi chi phí quảng cáo để tập trung vốn giúp xây dựng mối quan hệ. Như tôi đã nói, khi tham gia BNI, họ “nuôi trồng” mối quan hệ bằng việc truyền miệng. Và mọi người cũng biết, truyền thông qua hình thức truyền miệng thường được thực hiện từ đáy lòng dẫn đến việc giúp nhau mà không... tốn tiền. Trong BNI gọi là bán hàng không hưởng hoa hồng.

Mô hình hoạt động của BNI là tiếp thị, giới thiệu và kết nối. Ông đánh giá như thế nào về tình hình hoạt động của BNI Việt Nam so với các quốc gia châu Á khác?

Tại châu Á, Nhật Bản là một trong số những nước rất thành công. Độ cam kết của họ vô cùng tốt. Kế đến là Ấn Độ. Còn Việt Nam so với các nước như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia… thì Việt Nam có tiêu chuẩn đầu vào cao hơn nên chất lượng cũng tốt hơn. Khi các doanh nghiệp bước vào BNI thì không phân biệt “chiếu trên” hay “chiếu dưới” gì cả. Tất cả được quyết định bởi sự uy tín, chất lượng sản phẩm, giá cả, đặc biệt là thái độ. Nó được đo lường cụ thể nhất qua sự cam kết “nói và làm” của từng người trong BNI. Nếu doanh nghiệp lớn đến BNI với thái độ “không đúng” thì cũng không được gia nhập khi kiểm tra đầu vào, khá hơn thì họ chỉ sẽ là khách mời, khách hàng quý mến của chapter.

Nếu để ông chia sẻ một con số ấn tượng của BNI, ông sẽ thống kê con số nào?

Đó là doanh thu 950 tỷ đồng và hơn 930 doanh nghiệp tham gia vào BNI trong năm qua. Mục tiêu năm 2013 của chúng tôi là doanh thu 1.200 tỷ và số lượng thành viên là 1.700 thành viên. Chúng tôi muốn tạo ra một cộng đồng nhiều mối quan hệ tốt hơn trên cả nước khoảng 14 tỉnh thành. Trong tháng 8/2013, chúng tôi sẽ chuẩn bị một sự kiện “Hội ngộ đỉnh cao” thường niên giữa các doanh nhân của BNI trên cả nước tại Đà Nẵng. Đây là cơ hội để mọi người đến giao lưu, chia sẻ các kinh nghiệm, mối quan hệ, học thêm những kỹ năng cần thiết. Họ sẽ có thêm những người bạn xuyên các tỉnh thành và những mối quan hệ này sẽ phát triển rộng hơn, sâu hơn, đồng thời cơ hội kinh doanh cũng cao hơn.

“Hôm nay mình sẽ mang lại giá trị gì? Cho ai?”

Trải qua hơn ba năm hoạt động trong BNI, cái được và cái mất lớn nhất của ông là gì trên phương diện cá nhân?

Tôi được nhiều người biết đến hơn. Bản thân đã được công nhận là người thể hiện được sự đam mê lớn lao và đã mang hệ thống kết nối chất lượng về Việt Nam. Đó là niềm vui lớn nhất. Còn cái mất của tôi cũng không ít. Trong những năm đầu, gia đình rất “băn khoăn” về việc tôi thường xuyên “ở ngoài” và tốn rất nhiều thời gian cho công việc mà dường như “bỏ bê” họ. Thật ra, tôi là người hơi tham công tiếc việc. Ngay cả khi tập thể dục hay chạy bộ trên máy tôi vẫn tranh thủ nghe hay xem bài vở của BNI.

Tôi rất đồng tình với triết lý “vì người là cách vì mình khôn ngoan nhất”. Ông có thấy thế?

Có thể! Bản thân tôi, mỗi sáng thức dậy, điều đầu tiên tôi thường tự hỏi hôm nay mình sẽ làm gì đây, mang lại giá trị gì cho ai? Sau đó sẽ dành 15-20 phút để đọc sách rồi đi làm.

Cuối cùng, ông có sự chia sẻ nào để các doanh nghiệp đang hướng tới mô hình và giải pháp BNI?

BNI đã được chứng minh trên hơn 54 quốc gia. Tôi nghĩ với tất cả các anh em doanh nhân hãy thể hiện được sự cam kết của mình và xây dựng một cộng đồng doanh nhân Việt Nam với những con người làm ăn uy tín, cam kết cao và có độ phủ sản phẩm, dịch vụ toàn cầu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguồn tin: www.thegioidanong.net

Labels:
[blogger]

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.